Ăn mì gói thế nào để tăng giá trị dinh dưỡng?
Lượng mì ăn liền được tiêu thụ mỗi năm lớn đến nỗi nó gần như trở thành một thực phẩm thiết yếu, hiện diện trong giỏ hàng của hầu hết các chị em phụ nữ khi đi siêu thị.
Vậy ăn mì ăn liền bao nhiêu thì vừa đủ và ăn thế nào để đảm bảo dinh dưỡng là câu hỏi được nhiều người đưa ra khi gặp các chuyên gia dinh dưỡng.
Thực phẩm dự trữ của mỗi nhà
Tuần nào đi siêu thị, chị Thanh Hoà, ngụ Q. Bình Thạnh cũng mua khoảng hơn 10 gói mì để trữ sẵn trong nhà. Theo chị Hoà, mì ăn liền giúp chị giải quyết những bữa sáng vội vã mà không có thời gian chuẩn bị. Hơn nữa, vào những đêm thức khuya làm việc chẳng có gì ngon, tiện và nhanh hơn tô mì với thời gian chế biến vỏn vẹn có 3 phút.
Còn Hoài An, sinh viên cho biết, bên cạnh mua trữ sẵn trong nhà, mì ăn liền còn là món khoái khẩu của cô khi vào các cửa hàng tiện lợi giữa những giờ học. "Ngay trước trường tôi có một cửa hàng tiện lợi và khi cảm thấy chán các món ăn khác, tôi lại chọn mì ăn liền. Lúc đó tôi sẽ kết hợp thêm xúc xích hoặc trứng và dưa leo", Hoài An chia sẻ.
Cuộc sống ngày càng bận rộn khiến nhiều người không tiện nấu nướng do muốn tiết kiệm thời gian, đã chọn món ăn vô cùng tiện lợi là mì ăn liền thay thế các bữa ăn hàng ngày. Nhiều người còn biến tấu để có bữa sáng, hoặc bữa ăn đổi vị dinh dưỡng mà vẫn nhanh gọn.
Nhận xét về xu hướng trên, PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Mì ăn liền ngon, tiện đã rõ, nếu biết khéo léo kết hợp với đa dạng thực phẩm thì bữa sáng này hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng và yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, do dễ biến tấu nên các món từ mì gói còn giúp người ăn dễ dàng đổi vị, thơm ngon không kém những món phở, hủ tiếu… thông thường".
TS. Từ Ngữ, phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, cho biết: "Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là ăn đủ bốn nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin. Theo phân nhóm này, mì ăn liền với thành phần chính là bột lúa mì được xếp cùng nhóm cung cấp chất bột đường như các loại thực phẩm cơ bản khác là cơm, bún, phở, bánh mì, khoai, sắn…".
Cũng theo TS. Từ Ngữ, mỗi nhóm thực phẩm có vai trò cung cấp các loại chất dinh dưỡng khác nhau cho cơ thể để tạo ra năng lượng hoạt động hàng ngày. Cần phải kết hợp nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, bởi vì trên thực tế, không có loại thực phẩm nào là tốt nhất và càng không thể là duy nhất để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
"Chúng ta không thể chỉ ăn cơm trắng mà cần có thêm món thịt, món rau để bữa ăn cân đối dinh dưỡng, với mì ăn liền cũng tương tự như vậy", TS. Từ Ngữ khẳng định.
Làm sao để có bát mì gói ngon và dinh dưỡng ?
Một thực phẩm tốt sẽ trở nên không tốt nếu một người ăn quá nhiều món đó hoặc lạm dụng nó. Tương tự như vậy với mì ăn liền, việc cân bằng món ăn này trong tương quan với các bữa cơm hàng ngày cũng rất quan trọng.
Theo đó, PGS.TS Lê Bạch Mai gợi ý, để đa dạng hơn các bữa ăn với mì ăn liền, người dùng có thể kết hợp thêm thực phẩm khác khi chế biến như rau củ hay trứng thịt bằm…. Cách nấu này làm cho bát mì trở nên đầy đủ dinh dưỡng hơn, giúp người ăn ngon miệng hơn.
Chẳng hạn khi sử dụng mì ăn liền có thể kèm với các loại rau củ như cải xanh, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua… Ngoài các vitamin và khoáng chất thì sự hiện diện của chất xơ trong rau củ làm tinh bột được hấp thu chậm hơn, tăng lượng phân đào thải giúp tránh táo bón, không gây nóng trong người.
Bổ sung thêm vào mỗi bát mì khoảng 3-4 lát thịt bò, thịt lợn hoặc 2-3 con tôm cũng sẽ giúp bữa ăn từ mì gói được cân đối hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và thực vật.
Lưu ý, trong trường hợp bếp nhà bạn không dự trữ đủ các loại thực phẩm để có bữa ăn đa dạng từ mì ăn liền thì bạn vẫn có thể sử dụng mì ăn liền đơn thuần. Nhưng các bữa ăn sau, bạn nên nhớ đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng hợp lí.
Nhiều lựa chọn với mì ăn liền
Trung bình, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa 51,4g chất bột đường; 13g chất béo; 6,9g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 350Kcal, khoảng 15% nhu cầu năng lượng mỗi ngày.
Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, công việc mỗi người sẽ có nhu cầu về các chất dinh dưỡng khác nhau, nên cần bổ sung nhiều loại thực phẩm khác nhau để cân bằng dinh dưỡng và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Hiện nay, một số sản phẩm mì gói đã được nhà sản xuất bổ sung thêm rau củ, thịt, trứng, rong biển… nhằm đa dạng thực phẩm, tăng giá trị dinh dưỡng. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu để có thêm nhiều lựa chọn cho bản thân và gia đình
Theo tuoitre