World Bank: 'cú sốc' tăng giá năng lượng và lương thực sẽ còn tiếp tục

Lê Thị Xuân Phương 06:31 | 29/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Ngân hàng Thế giới, chiến sự Nga - Ukraine đã tạo ra một cú sốc tăng giá lịch sử đối với thị trường hàng hóa, và tình trạng này có thể kéo dài cho đến cuối năm 2024.

Trong báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới cập nhật, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định thị trường hàng hóa thế giới đang chứng kiến mức tăng giá lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Trong đó, giá thực phẩm đang ghi nhận đà tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.

Ông Indermit Gill, Phó chủ tịch phụ trách tài chính và tăng trưởng công bằng tại WB cho biết: “Nhìn chung, đây là cú sốc hàng hóa lớn nhất mà chúng tôi từng trải qua kể từ những năm 1970”.

Chiến sự Nga - Ukraine là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cú sốc giá. Trong khi Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá hàng đầu thế giới, Ukraine lại là nguồn cung cấp lúa mì và ngũ cốc chính. Chiến sự ở Ukraine cũng gây nhiều tác động khác làm lạm phát nhích lên cao, chẳng hạn chi phí phân bón tăng mạnh và giá cả một số mặt hàng kim loại chủ chốt tăng đột biến.

Theo nhận định của WB, sau màn tăng gần gấp đôi vào năm ngoái, giá năng lượng dự kiến ​​sẽ tăng hơn 50% trong năm nay trước khi hạ nhiệt vào năm 2023 và 2024. Cùng với đó, giá lương thực được dự báo sẽ tăng 22,9% trong năm nay, đặc biệt giá lúa mì tăng 40%.

WB cảnh báo: “Những diễn biến này đã bắt đầu làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ lạm phát đình trệ. Các Chính phủ cần tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước."

Điều đáng lo ngại nhất trong năm 2022, theo WB là nguy cơ giá nhu yếu phẩm tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các gia đình có thu nhập thấp. Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới, cho biết trong báo cáo: “Việc tăng giá lương thực và năng lượng đang gây ra thiệt hại đáng kể cho con người và nền kinh tế - và nó có thể sẽ làm đình trệ tiến trình xóa đói giảm nghèo”.