An ninh quốc gia: Yếu tố tạo khác biệt trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

21:32 | 12/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Yếu tố phân biệt rõ tranh chấp thương mại Mỹ-Trung hiện tại với các cuộc chiến thương mại thông thường nằm ở chỗ: Mỹ coi quan hệ kinh tế với Trung Quốc không chỉ liên quan đến giảm thâm hụt thương mại mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc đang gây ra mối đe dọa to lớn đối với  an ninh quốc gia Mỹ.
An ninh quốc gia: Yếu tố tạo khác biệt trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - ảnh 1
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet. 
Hồi tháng 10/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố việc áp đặt thuế bảo hộ từ 97 đến 162% đối với một số loại giấy nhôm Trung Quốc. Tháng  1 năm 2018, Washington áp thuế chống bán phá giá đối với máy giặt và tấm pin mặt trời nhập khẩu, trong đó nhà sản xuất chính là Trung Quốc.

Tất nhiên, các hành động của Mỹ đã dẫn đến các biện pháp đáp trả. Trung Quốc, nước nhập khẩu chính các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đã thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Hơn nữa, Trung Quốc đã khôn khéo đáp trả trong khuôn khổ các chuẩn mực của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hồi tháng 12/2017, Bộ Y tế Trung Quốc đã báo cáo rằng họ tìm thấy hạt cỏ dại trong đậu tương Mỹ và sẽ xem xét cẩn thận đối với các loại nông sản chứa trên 1% tạp chất. Đồng thời, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán về việc tăng thu mua đậu tương ở Brazil và Argentina. Kết quả là, do các nhà nhân giống Trung Quốc phàn nàn về việc giảm hàm lượng đạm trong đậu tương Mỹ, lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 1 năm 2018 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017 (từ 6,6 xuống còn 5,8 triệu tấn) và lượng đậu tương nhập khẩu từ Brazil tăng lên 2,07 triệu tấn, tăng hơn 720% so với cùng kỳ năm trước.
Người Trung Quốc biết cách tấn công chính quyền Mỹ một cách đau đớn, xét theo góc độ kinh tế và chính trị. Thứ nhất, khối lượng đậu tương Mỹ xuất sang Trung Quốc đã đạt 14 tỷ USD trong năm 2016, chiếm  37% tổng xuất khẩu ngũ cốc của Hoa Kỳ. Thứ hai, 8 trong 9 bang  sản xuất đậu tương đã dồn phiếu cho ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Việc mất đi sự hậu thuẫn của các bang nói trên sẽ làm suy yếu khả năng tái cử của đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc chạy đua giành nhiệm kỳ thứ hai.

Hồi tháng 1/2018, hãng tin Bloomberg đã dẫn lời các nguồn tin ở Bắc Kinh tiết lộ ý định của các cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm giảm mua hoặc thậm chí bắt đầu bán trái phiếu kho bạc Mỹ. Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ (1,2 nghìn tỷ USD hoặc khoảng 9% tổng số lượng trái phiếu kho bạc Mỹ  đã phát hành - 14,5 nghìn tỷ USD). Tin tức của Bloomberg đã  gây hoảng loạn trong giao dịch chứng khoán và tiền tệ ở Mỹ. Việc Trung Quốc giảm nhu cầu về trái phiếu kho bạc Mỹ  sẽ gây khó khăn cho chính quyền Donald Trump  trong việc tài trợ thâm hụt ngân sách có thể tăng lên đến 1 nghìn tỷ USD khi áp dụng mã số thuế mới. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng phải tăng lãi suất trái phiếu cho các nhà đầu tư. Điều này sẽ không chỉ làm tăng nợ công, mà còn buộc Cục Dự trữ Liên bang (Ngân hàng Trung ương Mỹ) phải tăng lãi suất. Theo đó, các loại nợ khác - chẳng hạn như các khoản vay thế chấp - sẽ trở nên đắt đỏ hơn và  điều này sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ.

Các động thái trên cho thấy khúc dạo đầu không kém phần dữ dội của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng có một yếu tố phân biệt rõ tranh chấp thương mại Mỹ-Trung hiện tại với các cuộc chiến thương mại thông thường. Đó là phía Mỹ coi quan hệ kinh tế với Trung Quốc không chỉ liên quan đến giảm thâm hụt thương mại mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc đang gây ra mối đe dọa to lớn đối với  an ninh quốc gia Mỹ.

Washington đã đặt ra vô số rào cản, hạn chế đáng kể vốn của Trung Quốc đổ vào các lĩnh vực công nghệ cao của nền kinh tế Mỹ. Tháng 9 năm 2017, Nhà Trắng đã cấm bán công ty Mỹ sản xuất chất bán dẫn Lattice Semiconductor cho người Trung Quốc. Trong tháng 12 cùng năm, chính quyền Mỹ  cấm bán công ty thanh toán Internet MoneyGram International và tháng 1 năm 2018, đã hủy hợp đồng của Tập đoàn Huawei của Trung Quốc với Tập đoàn Mỹ AT & T vì lý do đe dọa an ninh quốc gia.

Thỏa thuận mua  MoneyGram International đã bị ngăn chặn do thực tế là các nhà đầu tư Trung Quốc có thể có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của  hàng triệu công dân Mỹ sử dụng thanh toán trực tuyến. Hợp đồng giữa Huawei và  AT & T đã bị chặn do  điện thoại Trung Quốc có thể chứa mã nguồn có chức năng theo dõi dữ liệu. Đồng thời, có rất nhiều tin đồn rằng công ty tư nhân Huawei có liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc  vì nó được Ren Zhengfei  - một sĩ quan đã nghỉ hưu của Quân  Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) -  thành lập trong năm 1988.

Mâu thuẫn trong quan hệ kinh tế song phương Mỹ-Trung đang ngày càng trở nên sâu sắc và đòi hỏi những nỗ lực phi thường để giải quyết chúng. Tuy nhiên, ít khả năng hai bên có thể giải quyết ổn thỏa vấn đề trong tương lai gần. 

Sự quan tâm ngày càng tăng của giới truyền thông thế giới cho thấy rằng nếu hai gã khổng lồ kinh tế vốn chiếm 1/3 GDP toàn cầu lún sâu vào cuộc chiến thương mại, kinh tế thế giới vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính lại bị ảnh hưởng nặng nề. 

Minh Bích (theo RISS)