Ảnh hưởng vì Covid-19, doanh nghiệp tìm cách ‘gỡ khó’
Ông Trần Lê Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, nhận định: “Hầu hết mặt hàng dăm gỗ ở Bình Định xuất sang Trung Quốc đều đi bằng đường biển. Tàu biển chở dăm gỗ có trọng tải 30.000-40.000 tấn nhưng toàn bộ thủy thủ đoàn chỉ từ 10-15 người. Với lượng người như thế nên khi tàu cập cảng, lực lượng chức năng Trung Quốc cũng dễ kiểm soát bệnh dịch. Vì vậy hiện Trung Quốc chỉ mới “bế quan” chứ chưa “tỏa cảng”.
Tuy nhiên, giới doanh nhân trong lĩnh vực xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc đều thừa nhận đầu ra của mặt hàng này chỉ trông vào thị trường Trung Quốc, chỉ 1 ít xuất sang thị trường các nước Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và điều này rất đáng lo ngại.
Kém may mắn hơn mặt hàng dăm gỗ, lĩnh vực sản xuất nhựa Việt đang “điêu đứng” vì sức mua đang quá thấp.
Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 sản phẩm nhựa của Việt Nam, với kim ngạch đạt 148,7 triệu USD, chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa. Không ít doanh nghiệp trong ngành nhựa nhập nguyên vật liệu đầu vào, hóa chất, phụ gia đa phần từ Trung Quốc.
Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết quý I thì sẽ không có nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của công nhân, chi phí doanh nghiệp phải gánh chịu trong thời gian không có đơn hàng.
Ngành cao su nhựa cũng cùng chung khó khăn trên. Đại diện Hội Cao su nhựa cho hay hiện một số đơn hàng nguyên phụ liệu doanh nghiệp ngành cao su nhựa đặt từ Trung Quốc đang tạm ngưng, không biết khi nào mới tái khởi động.
"Đa số nguyên phụ liệu ngành này nhập từ Trung Quốc vì giá rẻ, thời gian giao hàng nhanh. Một số doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu... nhưng giá cao hơn, làm khả năng cạnh tranh giảm sút. Tình hình này kéo dài thêm 1 tháng nữa thì không biết bao nhiêu doanh nghiệp đóng cửa", đại diện Hội Cao su nhựa lo lắng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành da giày, dệt may tại TPHCM cũng đang "đứng ngồi không yên" vì nguyên phụ liệu chỉ còn đủ để sản xuất đến hết tháng 3, đồng thời đề xuất Thành phố xem xét cho hình thành cụm công nghiệp phụ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành để chủ động nguồn hàng, giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải, thuộc lĩnh vực như chuyên chở hành khách, vận chuyển hàng hóa và xe tour du lịch đang rơi vào tình cảnh vô vùng khó khăn do lượng khách hàng giảm mạnh hơn 50%, đồng thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm liên tục.
Các doanh nghiệp vận tải đang liên tục phải bù lỗ để chi trả các chi phí cố định, lương cho nhân viên và áp lực tiền lãi ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp co cụm lại, cố gắng cầm cự hoạt động kinh doanh.
Trước tác động khó lường trên, cộng đồng doanh nghiệp đang bù lỗ để cầm cự, chờ đợi “giải cứu”, chuyển đổi phương án sản xuất.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng: “Ảnh hưởng của dịch cúm do virus Covid-19 là có nhưng đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng”.
Ông Quyền cho rằng, thời gian tới, việc mua hàng tại Việt Nam của Trung Quốc sẽ giảm. Nhưng đây là cơ hội cho ngành gỗ giảm xuất khẩu dăm, mảnh, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo, viên nén. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng giá trị đối với ngành gỗ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã làm việc với các doanh nghiệp và họ đồng tình về sự chuyển hướng mua thiết bị sản xuất gỗ công nghiệp và viên nén thay cho xuất khẩu dăm, mảnh, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay.
"Chúng tôi đề nghị liên bộ đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế... nhằm giúp một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn", ông Lam nêu ý kiến.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội chia sẻ Hiệp hội đã có đơn kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ các giải pháp hỗ trợ ngành vận tải vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Theo đó, Hiệp hội đề xuất nhóm giải pháp để Nhà nước hỗ trợ ngành vận tải vượt qua khó khăn trước mắt. Cụ thể, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải, hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn.
Đồng thời, xem xét việc giảm phí BOT từ 3 - 5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải.
Hiệp hội Vận tải cũng đề nghị Nhà nước có chính sách ổn định giá xăng dầu tạm thời đến hết quý II năm 2020. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xăng dầu nâng cao sản lượng xăng E5.
Trước mong muốn được hỗ trợ, “giải cứu” của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch hành động ứng phó tác động Covid-19, với những nhóm nội dung nhiệm vụ về xử lý các tác động của dịch bệnh, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đây được coi là tín hiệu sáng trong sự chung tay của Bộ Công Thương cũng như các ban ngành với cộng đồng doanh nghiệp trước tác động của Covid-19.