Anh muốn gia nhập Hiệp định CPTPP

17:45 | 02/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các quốc gia thuộc nhóm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu vòng xem xét đơn xin gia nhập của nước Anh.

Ngày 2/6, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Nishimura, người đồng thời kiêm nhiệm về đàm phán CPTPP của Nhật Bản, tiết lộ 11 nước thành viên CPTPP đã đồng ý cho phép Anh khởi động quá trình gia nhập hiệp định này.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến ngày 2/6 của Ủy ban CPTPP – cơ quan nắm quyền quyết định cao nhất của CPTPP. Phía Việt Nam gồm các đại diện từ Bộ Công Thương, Ngoại giao, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã tham dự buổi họp trực tuyến này. 

Bộ trưởng Nhật Bản nhấn mạnh sẽ nỗ lực "để đạt được kết quả tốt nhất có thể..." khi cuộc đàm phán với nước Anh diễn ra. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc nước Anh gia nhập CPTPP là có ý nghĩa rẩt quan trọng. 

Anh muốn gia nhập Hiệp định CPTPP - ảnh 1

Các thành viên đã cho phép Anh đàm phán, gia nhập CPTPP

Theo kế hoạch, trong vài tháng tới, các nước thành viên CPTPP và Vương quốc Anh sẽ lập nên các nhóm công tác để bàn bạc về vấn đề thuế quan cũng như các quy tắc thương mại và đầu tư.

Hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đưa ra mong muốn gia nhập CPTPP tại cuộc họp trực tuyến cũng với ông Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor.

Động thái trên của Anh diễn ra trong bối cảnh nước này kỷ niệm một năm ngày chính thức rời Liên minh châu Âu EU.

Sau khi rời EU, Anh đang phải đối mặt với các thách thức thương mại mới, bao gồm xuất khẩu nhiều mặt hàng sang khối này phức tạp và đắt đỏ hơn. Cùng với ảnh hưởng từ dịch Covid, việc gia nhập CPTPP sẽ giúp nước này đa dạng hoá mạng lưới thương mại, đảm bảo lợi ích và duy trì vị thế trong tương lai. 

Ngoài Vương quốc Anh, một số nền kinh tế khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã thể hiện sự quan tâm và ngỏ ý muốn đàm phán với CPTPP

Đối với Việt Nam, bên cạnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) thì CPTPP giúp đưa quan hệ kinh tế giữa hai bên lên một tầm cao mới. Đây được ví như chìa khóa tiếp theo để các doanh nghiệp trong nước có thể gia nhập thị trường này. 

Tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 5,55 tỷ USD trong năm 2020.  Xuất khẩu của Việt Nam sang Vương Quốc Anh đạt 4,88 tỷ USD và nhập khẩu đạt 670 triệu USD. Vương quốc Anh hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu và đứng thứ 9 trong số những thị trường xuất khẩu lớn của nước ta ra thế giới. 

CPTPP được ký kết Chile vào tháng 3/2018, hiện có 11 thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam và có tổng giá trị tới 13% GDP toàn cầu.

Hiệp định có hiệu lực từ cuối năm 2018 sau khi được chính quyền Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand cùng Singapore thông qua. Tại Việt Nam, CPTT có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Khối CPTPP có những cam kết mang tính toàn cầu, tiêu chuẩn cao và công bằng. Hiệp định đã giúp nâng cao khả năng kết nối, hợp tác cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương.

H.S

Xem thêm: UKVFTA được phê duyệt, hàng Việt xuất đi đâu sẽ có hưởng thuế 0% ?