Áp lực lãi vay đè nặng lên Hoà Phát qua từng quý, tồn kho về mức thấp nhất hai năm

Hoàng Kiều 07:36 | 01/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù dư nợ vay của Hòa Phát được duy trì ổn định trong vòng ba quý trở lại đây và đã giảm hơn 10.000 tỷ so với thời điểm giữa năm 2022, song chi phí lãi vay vẫn tiếp tục đi gia tăng từng quý.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) cho thấy quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 176.294 tỷ đồng, tăng 5.959 tỷ so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất (39%) trong cơ cấu tài sản của tập đoàn là tài sản cố định.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Tại ngày 30/6, tập đoàn có tổng cộng 36.101 tỷ đồng tiền, tương đương và tiền gửi có kỳ hạn, tăng nhẹ so một quý. Với lượng tiền dồi dào, nửa đầu năm, Hoà Phát thu về 571 tỷ lãi tiền gửi.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Hoà Phát vay nợ tổng cộng 60.627 tỷ cuối quý II, bao gồm 51.748 tỷ vay ngắn hạn nhưng không được thuyết minh chi tiết. Theo báo cáo kiểm toán 2022, tập đoàn vay nợ cả bằng VND và USD.

Lãi suất VND đã tăng cao từ 6 tháng cuối năm 2022 và mới chỉ bắt đầu giảm dần vào cuối quý II/2023. Lãi suất USD chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, dù dư nợ vay của Hòa Phát được duy trì ổn định trong vòng ba quý trở lại đây và đã giảm hơn 10.000 tỷ so với thời điểm giữa năm 2022, song chi phí lãi vay vẫn tiếp tục đi gia tăng từng quý, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 44% (tương ứng 312 tỷ đồng).

Trong nửa đầu năm, tập đoàn vay tổng cộng 59.927 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 57.270 tỷ. Tổng chi phí lãi vay 6 tháng là 2.018 tỷ, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Quý II, Hòa Phát ghi nhận chi phí tài chính 1.349 tỷ đồng, tăng nhẹ 18 tỷ so với quý I, tuy nhiên đã giảm 34% (684 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Cấu trúc chi phí tài chính có sự thay đổi khá nhiều khi lãi vay quý II/2022 chỉ chiếm tỷ trọng hơn một nửa thì kỳ này đã tăng lên 76% và lỗ chênh lệch tỷ giá thuần giảm xuống.

Nguồn: Tập đoàn Hoà Phát.

Trong điều kiện thị trường than và quặng thiếu ổn định, Hòa Phát duy trì thắt chặt kiểm soát tồn nguyên nhiên liệu.

Hòa Phát hiện vẫn chưa chạy hết công suất của các nhà máy thép. Giữa bối cảnh giá nguyên nhiên liệu thiếu ổn định, tập đoàn duy trì số ngày hàng tồn trong kho thấp ở tất cả các kho từ nguyên liệu, nhiên liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm.

Số ngày tồn kho đã được hạ xuống thấp và duy trì ổn định trong vòng một năm trở lại đây và đang tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt đối với nguyên nhiên liệu đầu vào.

Số ngày của nguyên vật liệu kỳ này là 65 ngày và thành phẩm là 46 ngày, giảm nhẹ so với quý trước làm tổng vòng quay hàng tồn kho giảm còn 118 ngày.

Tại ngày 30/6, tổng giá trị hàng tồn kho của tập đoàn là 32.002 tỷ, trong đó doanh nghiệp đã trích lập dự phòng giảm giá 259 tỷ đồng. Đây cũng là mức tồn kho ghi nhận cuối quý thấp nhất kể từ quý II/2021.

Tập đoàn cho biết việc duy trì chính sách tồn kho này giúp Hòa Phát nhanh chóng làm mới giá hàng, đối phó linh hoạt hơn với những biến động khó đoán định của thị trường, bảo toàn nguồn lực vốn lưu động và củng cố nội lực làm dày lên biên lợi nhuận.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Tập đoàn cho hay việc điều chỉnh mức tồn kho xuống thấp từ cuối năm ngoái đã giúp giá than và quặng đưa vào sản xuất thép phản ánh khá sát và tận dụng được các bước giảm của thị trường, đặc biệt đối với giá than, nhờ đó hạ giá thành sản xuất thép đáng kể so với những kỳ trước đó, giúp cho giá vốn hàng bán có những cải thiện. Do đó, mặc dù giá thép giảm, biên lợi nhuận Hòa Phát vẫn được cải thiện trong quý này.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.