Áp lực lớn trong giải ngân dự án giao thông những tháng cuối năm
Như vậy, khối lượng giải ngân bình quân khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng sẽ là thách thức rất lớn mà các đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn nữa từ các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đến nhà thầu.
Số liệu từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, lũy kế đến hết tháng 8/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 22.195 tỷ đồng trong tổng số 50.328 tỷ đồng được giao, đạt 44,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến, trong tháng 9/2022, khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải khoảng 5.506 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân hết tháng 9/2022 khoảng 27.701 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để hoàn thành mục tiêu trên, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho hay cần phải thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân cho các công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Ngoài ra, Vụ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2022 cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch.
Theo đánh giá của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải là một trong những bộ, ngành nằm trong những đơn vị dẫn đầu có kết quả giải ngân vốn đầu tư tốt. Để đạt kết quả trên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ, để công tác giải ngân đạt được kết quả đúng kỳ vọng, ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BGTVT với những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân rất cụ thể cho từng đối tượng: chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các cơ quan tham mưu của Bộ.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng, thường xuyên phối hợp với Cục, Vụ chuyên môn rà soát khối lượng thực hiện.
Để tạo động lực trong công tác giải ngân, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải luôn yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phấn đấu mục tiêu tỷ lệ giải ngân hàng tháng phải cao hơn từ 8 - 10% so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân cả nước.
Liên quan đến các dự án do Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, xác định có khối lượng hiện trường mới tạo ra được giá trị giải ngân, các biện pháp chấn chỉnh nhà thầu cũng được thực hiện liên tục.
Với những nhà thầu chậm, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các Ban quản lý dự án căn cứ quy định hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu; kiên quyết điều chỉnh khối lượng của nhà thầu yếu cho nhà thầu có tiến độ triển khai tốt.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra thông điệp rõ ràng, đó là những chủ đầu tư, Ban quản lý dự án không hoàn thành kế hoạch giải ngân được phân bổ sẽ bị xem xét không giao nhiệm vụ quản lý dự án tại các dự án mới do Bộ Giao thông Vận tải quản lý…