Ba dự án chưa được TP HCM gỡ vướng có gì đặc biệt?
Những dự án chưa được gỡ vướng có gì đặc biệt?
Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Celadon City (Tân Thắng, Sơn Kỳ, Tân Phú) gặp vướng mắc lớn nhất ở khâu tính thuế. Dự án ban đầu có diện tích hơn 90,08 ha thuộc chủ đầu tư Sacomreal, sau này chuyển pháp nhân cho Công ty CP Đầu tư BĐS Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (do Gamuda Land sở hữu) và được UBND TP chấp thuận điều chỉnh diện tích 82,5 ha, hơn 8 ha còn lại là công viên cây xanh.
Theo Gamuda Land, khi mua lại cổ phần, chủ đầu tư cũ cho biết miễn thuế và họ chỉ thanh toán phần được công nhận. Tuy nhiên sau đó, Thành phố yêu cầu chủ đầu tư mới đóng phần thuế hơn 400 tỷ đồng do doanh nghiệp không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà chỉ mua lại cổ phần nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án...
Do không đồng ý đóng thuế nên dự án bị đình trệ lâu nay, Gamuda Land bị liệt vào danh sách nợ thuế hơn 541 tỷ đồng gồm cả tiền gốc và lãi.
Kể cả khi đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra và kiến nghị Thủ tướng không thu hồi số tiền 514 tỷ đồng, Chính phủ giao lại cho Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn UBND TP HCM. Sau đó, UBND TP đã yêu cầu các sở ngành nghiên cứu đề xuất, báo cáo trong tháng 1/2022, nhưng đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có báo cáo đề xuất nào.
Gamuda đề nghị Sở Xây dựng TP HCM xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với Khu A5 và Khu A6. Sở Tài nguyên và Môi trường ký phụ lục hợp đồng thuê đất cho khu trường học C1 và đổi tên cho trường quốc tế Á Châu trên Giấy chứng nhận quyển sử dụng đất đối với thủ tục chuyển nhượng dự án.
Chủ đầu tư đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cấp Giấy chứng nhận cho các căn hộ Ruby (khu A2), cập nhật tài sản trên đất cho Khu D của dự án. Bên cạnh đó, đề nghị Cục thuế TP xác định đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho các hồ sơ thuế của công ty.
Dự án Water Bay. Dự án 30,2 ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (sau này được Novaland mua lại) làm chủ đầu tư, với tên thương mại là The Water Bay, quy mô hơn 4.000 căn hộ. Dự án đang bị tạm ngưng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy UBND TP HCM chấp thuận chuyển mục đích sử dụng hơn 30 ha đất của Công ty Thế kỷ 21 tại dự án Khu du lịch, văn hóa, giải trí thuộc phường Bình Khánh sang xây dựng khoảng 4.000 căn hộ tái định cư và hoán đổi hơn 30 ha đất sạch thuộc 90,2 ha khu tái định cư Nam Rạch Chiếc. Sau đó, Thành phố lại chấp thuận cho chuyển khu đất tái định cư này sang đầu tư kinh doanh nhà ở.
Đồng thời, theo Thanh tra Chính phủ, TP HCM đã không thực hiện đấu giá theo quy định, tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất đối với dự án.
Trong đơn cầu cứu Bộ Xây dựng hồi đầu năm 2020, Novaland cho biết đã rót vào đây 6.000 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu và đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2.
Doanh nghiệp khẳng định dự án đã đủ điều kiện bán hàng nhưng việc tạm dừng dự án thời gian qua đang dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.
Do đó, Novaland đề xuất 2 phương án giải quyết. Một là doanh nghiệp được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là Lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là Lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ, Novaland sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.
Phương án 2 là Novaland được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.
Dự án Khu phức hợp Sóng Việt tại lô đất 1-17 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức có tổng diện tích khoảng 7,6 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 7.300 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty Quốc Lộc Phát được UBND TP.HCM giao thực hiện dự án. Sau đó, Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land) xuất hiện với vai trò nhà phát triển dự án.
Tuy nhiên, đến năm 2019, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án này được UBND TP.HCM chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tính và thu tiền sử dụng đất.
Trong đó có việc xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2 (bằng chi phí đầu tư bình quân) là không đúng quy định, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, các cơ quan chức năng chưa có hướng giải quyết cụ thể với dự án này.
Phân loại vướng mắc để tháo gỡ từng dự án bất động sản
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), trên địa bàn TP HCM đang có 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc.
Trong đó, khoảng 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản liên quan đến vấn đề pháp lý. HoREA nhất trí với Sở Xây dựng TP HCM đề xuất "phân nhóm vướng mắc" và giao cho từng sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết.
Theo đề xuất, Sở Xây dựng TP HCM sẽ chủ trì xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc: Hoán đổi nghĩa vụ nhà ở xã hội; xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; mua phần diện tích chung thuộc sở hữu nhà nước trong dự án chung cư cũ; thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án thương mại bằng hình thức nộp tiền; cấp giấy phép xây dựng; xác định dự án có được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hay không.
Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì xem xét 10 dự án với 1 nhóm vướng mắc là điều chỉnh quy hoạch.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM chủ trì xem xét 24 dự án với 15 nhóm vướng mắc: Đấu giá quyền sử dụng đất; bồi thường giải phóng mặt bằng; chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất bổ sung; gia hạn thời gian thuê đất; xem xét miễn tiền sử dụng đất; thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính; rà soát quá trình xử lý nhà, đất, trình tự thực hiện dự án; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân sau khi dự án xây dựng hoàn thành; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp sau khi đã đền bù và hoàn tất cơ sở hạ tầng; đánh giá tác động môi trường; giải quyết đối với phần diện tích mở rộng ngoài ranh giao đất; hoán đổi phần đất còn lại sang vị trí khác; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.
Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM chủ trì xem xét 11 dự án với 4 nhóm vướng mắc: Ghi nhận là thành viên góp vốn của công ty; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chuyển nhượng dự án đầu tư.
Cuối cùng, Sở Giao thông Vận tải TP HCM chủ trì xem xét 1 dự án với 1 nhóm vướng mắc là đánh giá tác động giao thông.