Ba nền kinh tế lớn Đông Bắc Á chịu tác động tiêu cực từ nCoV

07:55 | 11/02/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ba nền kinh tế lớn của Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang gánh chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh do virus nCoV gây ra…

Ba nền kinh tế lớn Đông Bắc Á chịu tác động tiêu cực từ nCoV - ảnh 1
Người dân mua hàng tại chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Nguồn: Filipinotimes) 
Số liệu chính thức công bố ngày 10/2 cho thấy giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn tám năm do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán cao và ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

Trung Quốc đã phải đối phó với tình hình kinh tế trong nước tăng chậm lại trước khi dịch bệnh nCoV bùng phát, dẫn đến chuỗi cung ứng, hoạt động kinh doanh và du lịch bị gián đoạn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát bán lẻ, đứng ở mức 5,4% trong tháng 1/2020, tăng so với mức 4,5% trong tháng 12/2019, chủ yếu do giá thịt lợn và rau tươi tăng mạnh. Giá thực phẩm đã tăng tới 20,6%.

Chỉ số CPI tháng 1 cũng cao hơn so với mức 4,9% mà các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg đưa ra và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2011 khi CPI ghi nhận mức 5,5%.

Các nhà phân tích dự báo chỉ số này sẽ tăng lên trong tháng 2/2020 giữa bối cảnh bùng phát dịch bệnh do virus nCoV dường như có ít tác động đến lạm phát giá sản xuất trong tháng 1.

Tại Nhật Bản, dịch do nCoV gây ra có thể làm GDP của nước này mất 1.000 tỷ yen (hơn 9 tỷ USD) trong GDP năm 2020, theo Viện Nghiên cứu Daiwa.

Viện Nghiên cứu Daiwa dự báo trong kịch bản lạc quan nhất là nCoV được chặn đứng trong vòng ba tháng tới, dịch bệnh này sẽ khiến số lượng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản có thể giảm 1 triệu lượt.

Trong trường hợp dịch bệnh do nCoV gây ra kéo dài một năm, Viện Nghiên cứu Daiwa nhận định kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm mạnh do sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Trong kịch bản như vậy, nCoV sẽ khiến GDP của Nhật Bản giảm gần 1%.

Mặc dù lạc quan hơn nhưng Viện Nghiên cứu Nomura cũng dự báo GDP của Nhật Bản sẽ giảm gần 0,5% nếu dịch bệnh này kéo dài một năm trước khi được ngăn chặn. Chỉ riêng việc suy giảm về số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản cũng khiến GDP của nước này giảm 0,14% trong kịch bản lạc quan nhất là nCoV được kiềm chế trong một vài tháng tới.

Trong khi đó, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Meiji Yasuda có vẻ lạc quan nhất khi ước tính GDP của Nhật Bản sẽ giảm 0,1% nếu virus nguy hiểm trên được kiềm chế trong một vài tháng tới. Nếu dịch bệnh này kéo dài trong khoảng thời gian một năm, GDP của Nhật Bản sẽ giảm 0,18%.

Cũng liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV, ngày 10/2, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Kazuyoshi Akaba cho biết số lượng các chuyến bay định kỳ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã giảm 60% do ảnh hưởng của nCoV và có thể sẽ giảm mạnh hơn nếu dịch bệnh này kéo dài.

Theo ông Akaba, chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, nhiều hãng lữ hành đã phải hủy tour du lịch khi có tới 13 trong tổng số 14 du thuyền treo cờ nước ngoài không thể cập cảng Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Akaba dự báo nCoV sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch nước này và các doanh nghiệp liên quan tới ngành này đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đưa các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch vào gói hỗ trợ khẩn cấp mà Chính phủ đang soạn thảo.

Tại Hàn Quốc, Báo cáo mới đây ước tính sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu trong 3 tháng đầu năm 2020 sẽ giảm 12%/năm, xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua vì tác động từ virus nCoV.

Ba nền kinh tế lớn Đông Bắc Á chịu tác động tiêu cực từ nCoV - ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Guam News) 
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc ngày 10/2 cho biết, nước này sẽ xem xét một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các hãng hàng không ứng phó với tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).

Trong một cuộc họp với lãnh đạo của các hãng hàng không, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc Kim Hyun-mee cho hay chính phủ nước này dự định sẽ thực hiện các biện pháp hành chính để không chỉ cho phép các hãng hàng không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và thiết lập các tuyến bay thay thế nhằm bù đắp nhu cầu sụt giảm đối với các tuyến bay di và đến từ Trung Quốc, mà còn cho phép họ triển khai các lịch trình chuyến bay “bất quy tắc” tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.