Bắc Ninh, Thái Nguyên nhường chỗ những 'ngôi sao' thu hút FDI mới
Năm 2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức được thành lập tại Bắc Ninh với số vốn đạt khoảng 9,3 tỷ USD đánh dấu bước tiến quan trọng của địa phương này trong thu hút FDI.
Bắc Ninh là tỉnh được Samsung rót vốn nhiều nhất với số vốn đầu tư chiếm gần một nửa tổng số vốn Samsung đầu tư tại Việt Nam (49%). Nhờ có dự án khủng từ Samsung, nhiều năm sau đó Bắc Ninh vẫn đứng vững trong số các tỉnh, thành thu hút FDI lớn nhất cả nước.
Năm 2013, sau 5 năm tập trung đầu tư tại Bắc Ninh và đã gặt hái được rất nhiều thành công, Samsung chính thức quyết định tiếp tục đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. Liên tục các năm sau đó, Samsung giữ lời hứa thực hiện cam kết tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất.
Tính đến ngày 20/1/2024, Bắc Ninh đã thu hút được khoảng 25 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào địa phương với 2.172 dự án cấp mới. Tổng vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên thu hút được 10,9 tỷ USD vốn FDI với 235 dự án trong đó chỉ riêng số vốn đầu tư của Samsung đã đạt gần 7,3 tỷ USD.
Mặc dù có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào song những năm gần đây, Bắc Ninh và Thái Nguyên đang chững lại trong việc thu hút vốn đầu tư FDI. Trong năm 2023, Bắc Ninh xếp thứ 7 trong số các tỉnh, thành phố đón dòng vốn FDI cao nhất cả nước còn Thái Nguyên thì đã không còn nằm trong top 10.
Ngược lại, nhiều địa phương vốn khá khiêm tốn trong thu hút đầu tư nước ngoài lại nổi lên như những điểm đến mới của doanh nghiệp. Trong năm 2023, Thái Bình đang vụt lên trở thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi thu hút được tới gần 2,8 tỷ USD, vượt lên đứng vị trí thứ 5 trong các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.
Tương tự, năm 2023, Nghệ An cũng có sự bứt phá, với hơn 1,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 8. Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, địa phương này quy tụ tới 5 đại gia công nghệ, bao gồm Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng.
Việc thiếu vắng các doanh nghiệp FDI mới, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp cũ cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng GRDP của Bắc Ninh giảm mạnh nhất sau nhiều năm và cũng thấp nhất cả nước khi tăng trưởng âm 9,28%.
Trong năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Bắc Ninh cũng sụt giảm tới 11,2%, đứng thứ 5 trong số các tỉnh IIP giảm sâu nhất cả nước. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo của Bắc Ninh sụt giảm 11,3%, ngành sản xuất trọng điểm là sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm trên 11%.
Đánh giá về những hạn chế trong thu hút đầu tư của Bắc Ninh cũng như nhiều địa phương từng là "ngôi sao" sáng trong tăng trưởng GRDP nhưng nay lại sụt giảm, các chuyên gia cho rằng mặc dù các địa phương này có sự tham gia của các doanh nghiệp FDI lớn từ rất sớm song việc liên kết chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài diễn ra còn chậm.
Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chưa được như kỳ vọng, khối doanh nghiệp trong nước còn yếu dẫn đến khi doanh nghiệp FDI mất đà tăng trưởng vì xuất khẩu gặp khó, tăng trưởng của địa phương lập tức tụt dốc.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong những năm qua, tốc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP có 4 động cơ chính chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ nước ngoài. Đây là vấn đề cần cảnh báo, nếu lệ thuộc quá lớn mà không phát huy nội lực thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của nền kinh tế.
Đến nay, mới chỉ có 5% công nghệ cao được chuyển giao, 15% công nghệ trung bình, còn lại hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông. Điều này khiến sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chỉ tạo ra 20% giá trị gia tăng và giá trị nội địa chỉ chiếm đến 10%.
Ưu tiên những FDI có tính lan toả
Để tạo động lực cho nền kinh tế cũng như các địa phương, PGS TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đổi mới chiến lược thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang được cơ cấu lại, các dòng FDI đang tái cơ cấu trên diện rộng, phải làm sao đón được dòng FDI chất lượng cao.
Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài phải có sự chuyển giao công nghệ, có tính dẫn dắt cũng như có sự lan toả thì mới hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế các địa phương cũng như cả nước.
Vị chuyên gia này nhận định Việt Nam hoàn toàn có lợi thế thu hút FDI khi có chính trị ổn định, môi trường kinh doanh được đánh giá là đang ổn định vĩ mô rất tốt, lực lượng lao động trẻ, cơ cấu dân số vàng.
Vì vậy, nếu có chính sách hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cũng như có những chính sách đảm bảo các điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như lao động hay vấn đề hạ tầng, kết nối, đảm bảo các điều kiện cho đầu tư kinh doanh thì Việt Nam vẫn là điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư.
Với các địa phương, cũng cần chú trọng đến đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hay các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng chậm cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư nước ngoài, ông Tuấn cho hay.
Từ việc hợp tác với các doanh nghiệp FDI, Việt Nam cũng đầu tư, khuyến khích nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Bởi chúng ta có đi nhanh hay không đều do năng suất lao động mà năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào đổi mới sáng tạo.
Việc đầu tư nguồn lực cũng như tạo thể chế chính sách cho khoa học công nghệ đột phá là rất quan trọng đối với tăng trưởng giai đoạn tới, ông Tuấn nhấn mạnh.