Những 'làn gió mới' trong bức tranh hút vốn FDI

Hoàng Huy 10:10 | 12/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có sự bứt phá trong cuộc đua hút vốn FDI năm 2023.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biêt, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

Trong đó, TP HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 5,85 tỷ USD. Hải Phòng cán đích vị trí thứ hai với 3,26 tỷ USD. Quảng Ninh - “quán quân FDI” tháng 11, đã kết thúc năm 2023 ở vị trí thứ ba với tổng vốn FDI đạt trên 3,13 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Một trường hợp đáng chú ý là Bắc Giang, từ vị trí 9 ở năm ngoái thì năm nay đã vượt qua những tỉnh mạnh về công nghiệp là Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh để tiến vào top 5, xếp thứ 4 cả nước. Bắc Giang cho biết, tính đến cuối tháng 11 tỉnh đã hút được 3,2 tỷ USD vốn ngoại, cũng là mức cao kỷ lục.

Nhìn lại 2022, top 5 địa phương dẫn đầu FDI cả nước gồm có TP HCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng. Có thể thấy năm nay, những tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng hay TP HCM vẫn duy trì được vị thế dẫn đầu cả nước.

Nghệ An, Thái Bình lần đầu gia nhập nhóm tỷ USD

Một khu công nghiệp đang thi công ở Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tháng 9 vừa qua, Nghệ An đã đánh dấu cột mốc lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt mốc trên 1 tỷ USD/năm. Cụ thể trong 9 tháng, tỉnh này đã cấp mới cho 14 dự án hơn 1 tỷ USD và điều chỉnh vốn 7 dự án 257 triệu USD.

Tổng kết cả năm, Nghệ An hút hơn 1,6 tỷ USD và xếp vị trí thứ 8 trên cả nước (năm 2022 cán đích vị trí thứ 11). Năm 2024, địa phương cho biết tiếp tục duy trì vị trí top 10 trong bảng xếp hạng FDI.

Thái Bình cũng có lần đầu tiên thu hút trên 1 tỷ USD vốn ngoại sau khi đón 3 dự án đổ bộ KCN Liên Hà Thái hồi tháng 9. Tính cả năm 2023, vốn FDI vào Thái Bình đạt 2,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 5 cả nước. Còn nhớ cuối năm 2022, địa phương chỉ hút 308 triệu USD và xếp hạng thứ 18.

Hồi tháng 9, Bình Phước đã đón dự án 500 triệu USD từ doanh nghiệp Trung Quốc, qua đó hút gần 700 triệu USD vốn ngoại sau 9 tháng, lần đầu xếp thứ 11 cả nước và cũng thứ hạng cao nhất từ trước đến nay (năm 2022 xếp thứ 21).

Lý giải về sự bứt phá của Thái Bình, theo ông Vũ Minh Chí, giá thuê KCN hợp lý chính là điểm sáng, trung bình 80 - 90 USD/m2 và giá thuê kho xưởng chỉ khoảng 4 USD/m2.

“Thái Bình còn có lợi thế về năng lượng và khí mỏ, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh tay để kết nối với tam giác công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, điển hình là tuyến đường ven biển giúp rút ngắn thời gian di chuyển đến Hải Phòng chỉ trong một tiếng. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ hút dòng tiền vào các KCN trọng điểm là Liên Hà Thái, Hải Long và VSIP.

Nghệ An có hạ tầng nhỉnh hơn Thái Bình, là điểm đến của một số khách thuê chủ lực như Foxconn và Sunway Automotive. Điểm thú vị của các KCN tại Nghệ An nằm ở sự đa dạng của các nhà phát triển, từ liên doanh Việt - Sing (KCN VSIP), đến Thái Lan (KCN WHA) và doanh nghiệp nội địa (KCN Hoàng Thành Đạt).

Giá thuê đất công nghiệp tại Nghệ An hiện dao động 65 - 70 USD/m2 và giá thuê kho xưởng cũng chỉ khoảng 4 USD/m2. Tỉnh này vẫn còn sẵn quỹ đất để phát triển công nghiệp hơn nữa trong thời gian tới”, chuyên gia Avison Young nói.

Cuộc đua FDI diễn biến ra sao trong thời gian tới?

Trường hợp của Nghệ An và Thái Bình phần nào cho thấy xu hướng dòng vốn ngoại đang dần dịch chuyển về các địa phương có quỹ đất dồi dào, hạ tầng tốt phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Chí, vị thế top đầu của những Quảng Ninh hay Hải Phòng trên bảng xếp hạng FDI thời gian tới sẽ không dễ bị xô đổ.

“Quỹ đất công nghiệp ở các tỉnh top đầu khu vực phía bắc, cụ thể là Quảng Ninh và Hải Phòng vẫn còn khá nhiều. Đơn cử như Hải Phòng, vẫn còn quỹ đất lớn tại hai KCN lấn biển là Nam Đình Vũ và KCN DEEP C. Bên cạnh đó, mới đây địa phươngnafy còn giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 cho doanh nghiệp trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Ông Vũ Minh Chí. (Ảnh: Avison Young).

Nói như vậy để thấy, bên cạnh quỹ đất, các chính sách thu hút và giữ chân doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Những tỉnh dẫn đầu trong thu hút FDI cũng thường là những tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao, thể hiện năng lực điều hành kinh tế và hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tốt.

Vì vậy, tôi cho rằng cuộc đua FDI giữa các tỉnh, dù lớn hay nhỏ, dù có lịch sử phát triển lâu đời hay mới nổi trong những năm gần đây, không chỉ phụ thuộc vào diện tích đất công nghiệp, mà còn là sự năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp của địa phương", vị chuyên gia nói.

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn cá nhân, ông Chí dự báo Bà Rịa - Vũng Tàu khả năng sẽ là điểm nóng trong năm tới nhờ vị trí gần với TP HCM, có hạ tầng tốt, có cảng Phú Mỹ. Các KCN lớn như Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3 và Châu Đức vẫn còn quỹ đất cho thuê dồi dào hơn so với các KCN ở Bình Dương và Đồng Nai. Giá thuê tại đây cũng khá hợp lý, trung bình 100 - 110 USD/m2 (KCN Phú Mỹ 3 có thể cao hơn vì có thời hạn thuê lên đến 70 năm).

“Tôi cho rằng, nếu biết tận dụng lợi thế và thời cơ, BR-VT rất có thể trở thành thủ phủ công nghiệp tiếp theo của thị trường phía Nam”.