Baemin `vượt mặt` GrabFood, Now, Gojek giữ vị trí tăng trưởng tốt nhất thị trường giao đồ ăn online
Theo báo cáo của Q&Me, startup đến từ Hàn Quốc Baemin nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất từ các đối tác, thương hiệu F&B, vượt qua các đàn anh "kỳ lân" GrabFood, Now hay Gojek.
Cùng với mảng gọi xe, cuộc chiến trong thị trường giao đồ ăn online tại Việt Nam cũng ngày càng nóng bỏng của những "đấu sĩ" quen mặt như Grab, Gojek, Baemin, Now,... Đặc biệt năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng lệnh giãn cách xã hội lại góp phần thúc đẩy dịch vụ này tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Cuộc chiến trong thị trường giao đồ ăn online tại Việt Nam cũng ngày càng nóng bỏng. Ảnh: Tinhte
Ứng dụng giao đồ ăn đã nâng cao sự tiện lợi trong lối sống cũng như giúp người Việt Nam yên tâm ở nhà tự bảo vệ mình trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19. Ứng dụng này đã trở thành phương pháp phổ biến của hầu hết người Việt Nam để giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn.
Q&Me - một nghiên cứu thị trường trực tuyến được cung cấp bởi Asia Plus. Q&Me vừa công bố Khảo sát xu hướng mới nhất của dịch vụ giao hàng cũng như sự phổ biến của các ứng dụng giao hàng, thực hiện với 1.046 người có độ tuổi từ 18-45 tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 12/2020.
62% người được hỏi cho biết có sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến. Trong đó, 82% sử dụng qua các app (ứng dụng); đặc biệt, TP.HCM có tỷ lệ sử dụng ứng dụng nhiều hơn Hà Nội.
Những lý do khiến người dùng sử dụng các ứng dụng gọi đồ ăn. Nguồn: Q&Me
Phần lớn (72%) lý do đưa ra cho việc sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến là tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, các khuyến mãi hay việc đảm bảo an toàn trong mùa COVID-19 cũng được 49-58% người đồng tình.
Bên cạnh đó, có 38% người được hỏi không sử dụng ứng dụng giao đồ ăn, đây chủ yếu là những người tự nấu ăn mang đi và có những mối lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó 6% sợ gặp rắc rối trong quá trình đặt hàng, 5% không biết cách đặt hàng, 6% cho rằng chi phí vận chuyển cao, 7% không muốn chờ đợi thời gian giao hàng lâu,...
Ứng dụng giao hàng phổ biến nhất đối với người dùng là Grad Food và Now. Đứng ngay sau là Baemin xếp vị trí thứ 3 và vị trí thứ 4 thuộc về Go Food.
Cụ thể, trong số 1.046 người thực hiện khảo sát, về độ phổ biến của các ứng dụng gọi đồ Grab Food và Now đều lên tới 73%. Baemin và GoFood (Gojek) khiêm tốn hơn, khoảng 46%. Doanh nghiệp Việt duy nhất góp mặt trong khảo sát là Loship với vỏn vẹn 14% người sử dụng và chỉ 2% người dùng thường xuyên nhất.
Độ phổ biến của các app giao đồ ăn. Nguồn: Q&Me
Tuy gia nhập thị trường Việt Nam từ giữa năm 2019 nhưng phải đến đầu 2020, thương hiệu đến từ Hàn Quốc mới bắt đầu chi tiền mạnh tay cho các chiến lược truyền thông, khuyến mãi để thu hút người dùng.
Ngay lập tức Baemin đã nhanh chóng bắt kịp Gojek về tỷ lệ người sử dụng (46%), thậm chí lấn át hơn khi có 16% người dùng app này nhiều nhất - so với 11% của Gojek. Thay đổi trong cách sử dụng giao hàng ứng dụng Grab Food và Now vẫn đang chiếm ưu thế thị trường, nhưng Baemin có mức tăng trưởng tốt nhất.
Đồng thời, startup đến từ Hàn Quốc nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất từ các đối tác, thương hiệu F&B, vượt qua các đàn anh "kỳ lân" GrabFood, Now hay Gojek.
Baemin đang có mức tăng trưởng tốt nhất trên thị trường giao đồ ăn trực tuyến, vượt qua cả Grab Food và Now
So sánh với kết quả khảo sát vào tháng 4/2020, GrabFood là ứng dụng duy nhất ghi nhận sự suy giảm trong khi cả 4 app còn lại đều tăng trưởng từ tương đối đến vượt trội. Khảo sát của Q&Me cũng ghi nhận, GrabFood được người dùng lớn tuổi sử dụng ưa thích hơn, trong khi giới trẻ lại ưu ái Baemin.
Hải Yến