Bài 19: Đại biểu HĐND Hà Nội đề xuất 3 biện pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau giãn cách

15:33 | 22/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đại biểu Phạm Đình Đoàn (huyện Mê Linh), Thủ đô với 8 triệu dân và gần 300.000 doanh nghiệp là kho chất xám rất lớn có thể giúp Hà Nội vượt qua đại dịch.

Thực hiện biện pháp “2 chữ G” cho doanh nghiệp

Tại Kỳ họp thứ hai, HĐND TP khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào sáng nay 22/9, đại diện các Ban HĐND TP đã trình bày báo cáo tổng hợp thẩm tra chung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 của TP. Rất nhiều Đại biểu HĐND Hà Nội đã góp ý về việc thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Đại diện tổ Mê Linh, đại biểu Phạm Đình Đoàn khẳng định, thời gian qua, đại diện cộng đồng doanh nghiệp rất cảm ơn lãnh đạo TP, các đơn vị y tế, công an, quân đội… đã rất vất vả, lo lắng cho công tác phòng chống dịch của TP.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn thực sự nghiêm trọng. Nhưng thật đáng mừng TP đã hoàn thành giãn cách xã hội. Thời gian tới, nhiệm vụ lớn của TP chính là khôi phục kinh tế, cũng rất quan trọng như công tác phòng chống dịch vừa qua.

Ông Phạm Đình Đoàn nêu 3 đề xuất đối với TP Hà Nội.

Thứ nhất, việc đảm bảo cho sản xuất và đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào công tác chống dịch của TP. Nếu tính chi tiết các tổn thất của doanh nghiệp thời gian qua khoanh vùng rộng do dịch bệnh là rất lớn, vì vậy tới đây nên khoanh vùng hạn chế, triển khai tối đa áp dụng CNTT vào việc chống dịch, lưu ý lưu thông hàng hóa đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người dân trong bất kỳ tình huống nào.

Thứ hai, về nhóm giải pháp thiết kế các chính sách hiệu quả cho doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn đề nghị TP đưa ra khái niệm “những doanh nghiệp tốt” (đóng thuế đầy đủ, thực hiện tốt chính sách với người lao động, bảo vệ môi trường, không làm hàng giả hàng nhái…) để đưa ra chính sách riêng. Đồng thời, TP cần có các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; Ban xây dựng chính sách cho doanh nghiệp cần có nhiều thành phần tinh hoa của các hiệp hội và chuyên gia doanh nghiệp.

Thứ ba, về các nhóm giải pháp liên quan chính sách thuế, phí và lãi suất ngân hàng, theo ông Phạm Đình Đoàn, vừa qua khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là mất cân đối về dòng tiền và không có lợi nhuận. Riêng chi phí phòng dịch tại từng doanh nghiệp thời gian qua đã chiếm tỷ lệ quá lớn, trong khi không làm ra lợi nhuận mà vẫn phải trả lương cho người lao động. Từ đó, đề nghị Chính phủ và TP thực hiện biện pháp “2 chữ G” cho doanh nghiepej - gồm giãn và giảm. Rõ ràng DN cần được hỗ trợ đúng thời điểm, như TP có thể cân nhắc thuế đất năm 2021 giảm 30-50% cho DN.

Đại biểu HĐND Hà Nội đề xuất áp dụng biện pháp "2 chữ G" cho doanh nghiệp. 

“Thủ đô với 8 triệu dân và gần 300.000 doanh nghiệp là kho chất xám rất lớn. Nếu TP tiếp tục tạo điều kiện để người dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng đóng góp, hiến kế, chắc chắn Thủ đô sẽ vượt qua nhiều khó khăn không chỉ là dịch bệnh, để xây dựng TP văn minh, giàu đẹp”.

GRDP bình quân/người của Hà Nội năm 2025 là bao nhiêu?

Theo tờ trình, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 là 7,5-8%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65-65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5-23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. GRDP bình quân/người đạt 8.300-8.500USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3,1-3,2 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%.

Về văn hóa - xã hội, thành phố phấn đấu tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa đạt 75%; thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 65%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa từ 86-88%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%. Số giường bệnh/vạn dân đạt từ 30 đến 35; số bác sĩ/vạn dân là 15 bác sĩ; duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75-80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 55-60%. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%. Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố.

Về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường, thành phố phấn đấu tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 40%, nông thôn mới kiểu mẫu 20%; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố. Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%. Diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5m2 sàn/người… Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ các chất thải và nước thải được xử lý đạt tiêu chẩn về môi trường: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý từ 50-55%. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng từ 30-35%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, thành phố đã đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, xác định tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, triển khai mạnh mẽ nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

 

TP nên tăng cường đối thoại với doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Quốc Oai) cũng bày tỏ đồng tình cao với các hoạt động cụ thể, sâu sát của các cấp, các ngành trong hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng do dịch. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất, thành phố bổ sung hỗ trợ thêm cho nhóm người sử dụng lao động. Lý do là thành phố Hà Nội có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn, nhiều doanh nghiệp mong muốn các chính sách của thành phố được tuyên truyền rộng rãi hơn, có thể qua hệ thống thuế và bảo hiểm. Đặc biệt, thành phố cần rà soát, đánh giá tình trạng doanh nghiệp, phân loại những doanh nghiệp nào thuộc nhóm cần hỗ trợ trước mắt và hỗ trợ căn cơ, lâu dài.

“Tôi cũng mong muốn, thành phố tăng cường thời gian đối thoại với doanh nghiệp, mời các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia cùng với thành phố trước khi ban hành chính sách, để sát với đối tượng và chính sách đi vào cuộc sống”, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.