Nghệ An: Diễn biến dịch phức tạp, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản

07:13 | 22/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Cục Thống kê Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả tỉnh có 628 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 7, 8, 9 tình hình càng thêm khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngừng hoạt động kéo dài do dịch bệnh, hệ thống trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn. Một nhà đầu tư, chủ hệ thống trường mầm non tư thục tại TP. Vinh cho biết: “Thực tế là từ năm 2020 đến nay, trường mầm non tư thục hầu như không hoạt động được bao nhiêu, đã có 4 tháng liên tục trong năm 2021 ngừng hoạt động, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn”.

Nghỉ dịch, học sinh không đến trường, phụ huynh không nộp học phí, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không có kinh phí trả lương cho giáo viên. Bên cạnh đó, các chi phí khác như tiền bảo hiểm, nợ lãi ngân hàng và các chi phí khác vẫn phải chi.

“Để đầu tư trường mầm non tư thục, nhà đầu tư phải vay số tiền rất lớn, thông qua kênh ngân hàng hoặc tự huy động, dự kiến phải trả trong vòng hàng chục năm mới hoàn vốn. Việc phải ngừng hoạt động kéo dài làm doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản” - vị doanh nghiệp chia sẻ.

Mặt khác, do điều kiện, mức sống người dân chưa cao, nên mức thu học phí mầm non tư thục trên địa bàn Nghệ An phải hạ thấp so với mặt bằng chung, chủ đầu tư càng không có tích lũy để phòng rủi ro. Vừa qua, các đơn vị này càng gặp khó khăn khi trình hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, lại bị trả hồ sơ do Sở LĐTB&XH cho rằng giáo viên tư thục cũng được nghỉ hè 2 tháng và hưởng nguyên lương.

“Thực tế, quy định nói trên chỉ áp dụng cho khối công lập, chứ khối tư thục làm gì có nguồn để trả lương hè cho giáo viên. Nếu làm thế phải thu học phí rất cao, học sinh sẽ bỏ học, trường đóng cửa luôn”, anh Đức, Hiệu trưởng của trường mầm non tư  thục tại TP Vinh cho biết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ ăn uống, cà phê... và nhiều ngành nghề khác cũng lao đao vì dịch bệnh.

Cũng theo cục thống kê Nghệ An số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm dừng hoạt động là 64 doanh nghiệp, tăng 21 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể là 79 doanh nghiệp, tăng 33,9%.

Vừa qua, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với một số địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp. Tại đầu cầu Nghệ An do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa chủ trì.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngân sách còn rất eo hẹp, nhưng thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực bố trí, thu xếp các nguồn vốn để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng hiệu quả sản xuất; Khoanh nợ, hỗ trợ lãi vay, giải quyết ách tắc giao thông trong lưu chuyển hàng hóa, cũng như quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin  chống dịch đối đối với công nhân, ngư dân và các doanh nghiệp chế biến.

Tiêm vắc-xin cho người lao động tại các doanh nghiệp,  cụm CN là ưu tiên cấp thiết để hồi phục kinh tế

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các doanh nghiệp tùy vào tình hình địa phương để xây dựng phương án phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp, nhưng phải đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động, ưu tiên tiêm vắc-xin cho khu công nghiệp.

Nhiều doanh nhân kiến nghị cơ quan chức năng Nghệ An có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trụ lại và vượt qua khó khăn như khoanh nợ, cho vay ưu đãi, giảm lãi suất, miễn giảm thuế, tạm ngừng nộp bảo hiểm và các khoản khác, vay trả lương cho lao động…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất có tính cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Phải xác định trung tâm đầu mối để phục hồi là các doanh nghiệp, và tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, địa bàn để chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp một cách hợp lý, hiệu quả. Quan điểm của Chính phủ là vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân. Bên cạnh đó, đầu mối trung tâm xử lý các vấn đề này xác định chính là các địa phương, bởi vậy địa phương phải trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, từ đó hướng dẫn, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất đúng với chủ trương chung là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế hiệu quả. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và các Bộ, ngành luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.