Bài 3: Vingroup - Kỳ tích Vinfast và cú hích cho ngành ô tô Việt Nam

17:59 | 18/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có từ khá sớm, nhưng con đường của những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt lại không mấy bằng phẳng, thậm chí có lúc tưởng rằng đã đi vào ngõ cụt, cho đến khi Vinfast xuất hiện.

Lịch sử ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Hơn 60 năm trước, cụ thể là vào ngày 21/12/1958, nhà máy Chiến Thắng (Hà Nội) đã cho ra đời chiếc ô tô 4 chỗ ngồi đầu tiên do người Việt Nam tự chế tạo, lấy mẫu từ chiếc Fregate chạy bằng xăng của Pháp. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh ở miền Bắc nên xe "Chiến Thắng" không được sản xuất hàng loạt. Nhưng, đây có thể coi là sự bắt đầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đến những năm 1970 trên thị trường miền Nam cũng xuất hiện chiếc xe ô tô do người Việt lắp ráp theo tiêu chuẩn của Hãng Citroen (Pháp) có tên là La Dalat.

La Dalat có đến 4 dòng xe, trung bình mỗi năm bán được 1.000 chiếc từ năm 1970 đến 1975, tỉ lệ nội địa hóa đã tăng từ 25% đến 40% vào năm 1975, và đây cũng là năm hãng Citroën đóng cửa nhà máy tại Việt Nam và chấm dứt sản xuất dòng xe này.

Bài 3: Vingroup - Kỳ tích Vinfast và cú hích cho ngành ô tô Việt Nam - ảnh 1

Bác Hồ bên chiếc xe đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam

Đến năm 1991, Mekong Auto ra đời, công ty với sự hợp tác liên doanh giữa 3 nước: Hàn Quốc (19%), Việt Nam (30%) và Nhật Bản (51%). Từ năm 1992 bắt đầu lắp ráp xe con mang nhãn hiệu Mekong tại nhà máy Cửu Long (TP.HCM), với phụ tùng phần lớn do Ssangyong (Hàn Quốc) cung cấp. Chính phủ khi đó đã đưa ra mục tiêu rất rõ ràng là sẽ tập trung tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất có hàm lượng hiện đại hóa cao, tận dụng công nghệ từ các đối tác nước ngoài nhằm phát triển hạ tầng phụ trợ trong nước, qua đó từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên 50 - 60% sau 10 - 15 năm.

Tuy nhiên, từ năm 1997, thương hiệu Mekong dừng sản xuất vì thiếu nguồn linh kiện sản xuất. Liên doanh này sau đó chuyển sang lắp các thương hiệu Musso và Fiat nhưng dần mờ nhạt theo năm tháng, doanh số giảm bởi sự cạnh tranh mới đến từ Toyota, Mazda, Ford.

Đến năm 2004 thì hai công ty là Ô tô Trường Hải và ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cùng được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Giai đoạn đầu thì cả hai công ty trên đều liên doanh lắp ráp các sản phẩm ô tô thương mại như xe tải của các thương hiệu lớn nước ngoài. Và đã từng có thời Vinaxuki là đối thủ cạnh tranh đáng kể với Trường Hải.

Với giấc mơ ô tô "Made in Vietnam" và tâm huyết đối với ngành ô tô thì ông Bùi Ngọc Huyên (ông chủ của Vinaxuki) đã cho ra đời thương hiệu ô tô con Vinaxuki với tham vọng sản xuất ô tô của người Việt. Tuy nhiên các sản phẩm của Vinaxuki được cho là chất lượng thấp và kém an toàn nên không được người dùng đón nhận, mặc dù giá thành rất rẻ so với các thương hiệu ngoại cùng thời.

Đến những năm 2012, sau nhiều năm hoạt động không thành công thì Vinaxuki gặp nhiều khó khăn, ông Bùi Ngọc Huyên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và phải đóng cửa công ty. "Giấc mộng ô tô Việt Nam" của người đàn ông đầy tâm huyết này cũng tiêu tan.

Còn về phía Trường Hải, công ty ô tô của ông Trần Bá Dương sau cả chục năm trời họ vẫn trung thành với mảng kinh doanh chính là liên doanh lắp ráp và phân phối ô tô của các thương hiệu lớn như Mazda, Kia, Peugeot ... tại Việt Nam. Không những thế họ không ngừng mở rộng sản phẩm từ xe tải, xe con, cho đến xe khách ... Không ngừng lớn mạnh và gia tăng thị phần nhanh chóng trên thị trường Việt Nam. Hiện công ty này đã xây dựng một khu liên hợp sản xuất ô tô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay tại Chu Lai - Quảng Nam.

Để nhận xét thì sau nhiều năm phát triển, thành tựu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không có nhiều, nếu không muốn nói là quá ít so với tiềm năng. Một thị trường hơn 90 triệu dân nhưng quy mô ngành công nghiệp ô tô chỉ ở mức 300.000 xe mỗi năm, trong khi Thái Lan với dân số chưa tới 70 triệu người có thể sản xuất gấp 7 lần Việt Nam.

Ðề án của Chính phủ đã thất bại từ khi các liên doanh nước ngoài không tiến hành đầu tư cho hệ thống công nghiệp phụ trợ, mà dựa hoàn toàn vào linh kiện nhập khẩu từ các tập đoàn mẹ. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt Nam chỉ ở mức dưới 15% (một vài trường hợp ngoại lệ như Toyota Innova).

VinFast ra đời và giấc mơ xe hơi mang thương hiệu Việt đúng nghĩa

Vào ngày 9 năm 2017, Vingroup, khiến tất cả giới ô tô bất ngờ, khi khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải - Hải Phòng.

Đã có nhiều hoài nghi đặt ra khi một doanh nghiệp vốn chỉ được biết tới với các dự án bất động sản và khu nghỉ dưỡng lại tuyên bố đầu tư vào một ngành sản xuất vốn không có bất cứ đặc điểm nào liên quan tới hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Tuy nhiên, những hoài nghi đó đã bị gạt bỏ khi vào đầu tháng 9/2018 những hình ảnh đầu tiên về hai mẫu xe của VinFast (1 sedan và 1 SUV) đã được hé lộ. Khiến cho báo chí Việt Nam cũng như thế giới được phen "sửng sốt" với thiết kế hết sức đẹp mắt, sang trọng và hiện đại. Đặc biệt là logo hình chữ "V" ở đầu xe khiến cho người Việt không khỏi tự hào.

Bài 3: Vingroup - Kỳ tích Vinfast và cú hích cho ngành ô tô Việt Nam - ảnh 2

Chiếc xe của VinFast xuất hiện trên sân khấu của Paris Motor Show 2018

Đến ngày 14/6/2019, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã công bố khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, kế hoạch này hoàn thành sớm hơn 3 tháng thay vì tháng 9/2019 như dự tính. Với kỷ lục 21 tháng - từ khởi công, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và chính thức vận hành nhà máy, VinFast đã tạo nên kỳ tích mới trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Chính bản thân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy còn là Thủ tướng) tại lễ khánh thành Nhà máy ôtô VinFast cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi chỉ 650 ngày trước đó (2-9- 2017) ông vừa dự lễ khởi công nhà máy này.

Trước đó, từ cuối quý 1 năm 2019, VinFast đã liên tục gửi các lô xe sản xuất thử đến 14 nước tại 4 châu lục để kiểm thử chất lượng. Sau các vòng thử nghiệm va đập và kiểm định kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn cao của quốc tế, các mẫu xe VinFast đã nhận được đánh giá rất tích cực.

VinFast bắt đầu bàn giao lô xe đầu tiên cho khách hàng vào cuối tháng 7/2019. Những chiếc ô tô thương hiệu Việt chính thức lăn bánh trên đường phố chỉ sau 21 tháng “khai sinh”, lập kỷ lục thế giới về thời gian có xe thương mại. Từ gia công chuyển sang tự chủ sản xuất và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu dưới thương hiệu Việt. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ô tô thương mại với thương hiệu nội địa, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ các nước có ngành sản xuất ô tô của riêng mình.

Cuối tháng 10/2019, tại Melaka (Malaysia), VinFast đã được Chương trình đánh giá xe hơi mới khu vực Đông Nam Á (ASEAN NCAP) trao chứng nhận an toàn ở mức cao nhất. Cả hai dòng VinFast Lux SA2.0 và Lux A2.0 đều được trao chứng nhận an toàn cao nhất là 5 sao. Trong đó, mẫu xe đô thị đa dụng Fadil được đánh giá 4 sao, với danh hiệu “chiếc xe an toàn nhất phân khúc” tại thị trường Việt Nam.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải, từng phụ trách marketing cho xe siêu sang Bentley và Lamborghini Việt Nam đánh giá, VinFast đang dẫn dắt lại "cuộc chơi". Với chứng chỉ ASEAN NCAP, Vinfast đang tạo ra cú hích làm thay đổi quan niệm và thứ tự ưu tiên của người Việt với xe hơi khi tính an toàn được đặt lên hàng đầu.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7, Vinfast đã vượt mặt Toyota, KIA, Mazda để trở thành thương hiệu xe bán chạy thứ 2 Việt Nam chỉ sau Huyndai.

Cụ thể, trong tháng 7, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Vinfast vẫn bán được hơn 3.700 xe. Trong đó VinFast Fadil đạt doanh số 2.928 xe, chiếm 77% tổng doanh số, Lux A2.0 đạt 778 xe còn Lux SA2.0 đạt doanh số 76 xe. Cả Fadil và Lux A2.0 đều lọt top 10 xe ô tô bán chạy nhất Việt Nam trong tháng 7. Trong đó, Fadil chiếm vị trí số 1 thị trường trong khi Lux A2.0 ở vị trí thứ 10.

Trước đó, ngày 24/3, VinFast đã chính thức mở bán mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên VF e34, với mức giá chính thức 690 triệu đồng. Khách hàng đặt cọc mua xe trước ngày 30/6/2021 sẽ được hưởng mức giá ưu đãi 590 triệu đồng, kèm 01 năm miễn phí thuê bao pin.

Chỉ sau 12 giờ đầu tiên mở bán, VinFast đã nhận được 3.692 đơn đặt hàng dành cho VF e34, tạo nên một kỷ lục mới trên thị trường ô tô Việt Nam. Dự kiến những chiếc xe VF e34 đầu tiên sẽ được bàn giao cho khách hàng vào tháng 11/2021, với chế độ bảo hành đột phá lên đến 10 năm và hệ thống trạm sạc được triển khai rộng khắp, tạo sự an tâm và thuận tiện lớn cho người sử dụng.

Tham vọng chinh phục thị trường ô tô thế giới

Không chỉ muốn dừng lại ở thị trường trong nước, ngày 12/7/2021, Hãng xe của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chính thức đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan vào hoạt động, nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt thị trường quốc tế.

Vinfast đặt mục tiêu lớn tiến vào thị trường Mỹ, châu Âu với dòng ôtô điện mô hình cho thuê pin sẽ đủ sức thu hút người tiêu dùng trước các nhà sản xuất nội địa lớn như Tesla và General Motors (GM).

Doanh nghiệp này tự tin đặt mục tiêu đạt doanh số bán xe điện hằng năm từ 160.000 đến 180.000 xe tại Mỹ, tương đương 1% tổng sản lượng ôtô bán ra tại quốc gia này.

Bài 3: Vingroup - Kỳ tích Vinfast và cú hích cho ngành ô tô Việt Nam - ảnh 3

Mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34 của Vinfast

Một đại diện của Vinfast cho hay, ngay từ đầu khởi nghiệp, VinFast đã xác định Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Đức là 5 thị trường trọng điểm nằm trong kế hoạch mở rộng kinh doanh.

Chuẩn bị cho hành trình chinh phục thị trường nước ngoài, hơn một năm qua, hãng xe này đã gấp rút hoàn thiện bộ máy, thiết lập nền tảng kinh doanh ở các quốc gia sở tại để tiếp cận địa bàn.

Cùng đó, nhân sự nòng cốt ngoài là đội ngũ quản lý cấp cao người Việt, VinFast đã thu hút nhiều chuyên gia ôtô và kinh doanh giàu kinh nghiệm đến từ các hãng xe hàng đầu như Tesla, BMW, Porsche, Toyota, Nissan... tham gia hoàn thiện hệ thống, mở rộng mạng lưới đối tác, chuẩn bị cho việc gia nhập thị trường.

Đáng chú ý, cuối tháng 7 vừa qua, Vingroup đã chiêu mộ thành công ông Michael Lohscheller - người từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng giám đốc Opel toàn cầu - làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu.

Ông Michael Lohscheller sẽ chịu trách nhiệm mở rộng hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quảng bá VinFast ra toàn thế giới.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành xe hơi, ông Michael Lohscheller được kỳ vọng sẽ giúp VinFast có những bước tiến ấn tượng, góp phần đưa VinFast thành công ở các thị trường quốc tế và trở thành hãng xe điện thông minh hàng đầu thế giới.

Về chiến lược kinh doanh, VinFast xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc thù của từng thị trường. Riêng tại châu Âu, VinFast tập trung vào Pháp, Đức và Hà Lan trước khi nghiên cứu mở rộng ra các nước khác.

Các mẫu xe theo đó cũng sẽ được thiết kế phù hợp với nhu cầu khách hàng và điều kiện vận hành tự nhiên tại mỗi nước.

Ông Jeremy Snyder - giám đốc phát triển thị trường của VinFast tại Mỹ (người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý cấp cao tại Tesla) chia sẻ: "Với những dòng xe thông minh được bảo chứng bởi năng lực nghiên cứu và sản xuất của VinFast, chúng tôi tự tin rằng VinFast có thể cạnh tranh sòng phẳng với những thương hiệu hàng đầu tại Mỹ hiện nay".

H.A

Xem thêm: Chân dung "cha đẻ" của trợ lý ảo Vivi trên xe VinFast