Bãi bỏ loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát triển đô thị
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ bãi bỏ 5 thủ tục hành chính cấp Trung ương gồm: Chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; dự án tái thiết khu đô thị; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hỗn hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
Điều chỉnh đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; dự án tái thiết khu đô thị; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hỗn hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; dự án tái thiết khu đô thị; dự án bảo tồn, tôn tạo khu đô thị; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hỗn hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
Lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng đối với các dự án bảo tồn tôn tạo các công trình di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.
Lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử của đô thị đặc biệt.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng bãi bỏ 4 thủ tục hành chính cấp tỉnh gồm: Chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; dự án tái thiết khu đô thị; dự án bảo tồn, tôn tạo khu đô thị; dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hỗn hợp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh;
Điều chỉnh đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; dự án tái thiết khu đô thị; dự án bảo tồn, tôn tạo khu đô thị; dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hỗn hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND cấp tỉnh;
Chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử của đô thị đặc biệt;
Lấy ý kiến của các sở: Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng, Văn hóa Thể thao và Du lịch đối với các dự án bảo tồn tôn tạo các công trình di tích cấp tỉnh.
Đây được coi là bước rút gọn các khâu về thủ tục hành chính đối với các công trình, dự án nằm trong phạm vi chức năng quản lý của nhà nước. Góp phần tăng tính hiệu quả, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án trên.
Lĩnh vực phát triển đô thị bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, thị trường bất động sản đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một trong những nguyên nhân đó là hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường bất động sản…
Bộ Xây dựng đã đưa ra một số giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản. Trong đó nhấn mạnh đến việc các bộ ngành tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó các địa phương cần khẩn trương lập, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương và triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
"Tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường", Bộ Xây dựng nêu rõ.
Cũng theo Bộ này, các địa phương cần tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.
Đồng thời chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu kiện kéo dài.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Cuối cùng, theo Bộ Xây dựng, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.
Đăng Khôi