Bàn giao 6 DN thuộc Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

21:18 | 10/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hoạt động bàn giao thể hiện một sự thay đổi lớn, thể chế hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, qua đó khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình quản lý trước đây.

Bàn giao 6 DN thuộc Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước - ảnh 1
Lễ bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương làm đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Triển khai Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban), ngày 10/11, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương làm đại diện chủ sở hữu về Ủy ban.

Lễ bàn giao có sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát các doanh nghiệp bàn giao; đại diện các đơn vị liên quan trong Bộ Công Thương, Ủy ban và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông.

Để triển khai công tác bàn giao 6 doanh nghiệp sang Ủy ban theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 131/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã ban hành 02 văn bản số 8609/BCT-TC ngày 23/10/2018 và số 8954/BCT-TC ngày 05/11/2018 nhằm đôn đốc việc bàn giao cũng như phối hợp triển khai hoạt động của Ủy ban được hiệu quả và đúng thời hạn.

Sáu doanh nghiệp thuộc diện bàn giao sang Ủy ban gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA).

Đây đều là những doanh nghiệp có vốn hóa cao, tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ hiện tại trên 555 nghìn tỷ đồng tại các doanh nghiệp này (bằng 1/2 tổng số vốn nhà nước mà Ủy ban nắm giữ trên tổng 19 doanh nghiệp chuyển về Ủy ban).

Đồng thời, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty này đều có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Về phía Ủy ban, ngay sau khi Nghị định 131/2018/NĐ-CP được ban hành, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan có doanh nghiệp chuyển giao, các doanh nghiệp được chuyển giao triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Bàn giao 6 DN thuộc Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước - ảnh 2
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nguồn: Internet.
Ủy ban đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp về các nội dung của hồ sơ chuyển giao, bám sát các quy định của Nghị định 131/2018/NĐ-CP và hướng dẫn của Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế và các mẫu văn bản kèm theo để thực hiện chuyển giao doanh nghiệp, đảm bảo hồ sơ chuyển giao được hoàn thiện đầy đủ, chặt chẽ, sẵn sàng cho công tác chuyển giao theo quy định.

Bên cạnh đó, Ủy ban đã bước đầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không để khoảng trống trong quá trình bàn giao doanh nghiệp.

Trước thời điểm bàn giao, các công việc liên quan giữa hai cơ quan đã được làm rõ, trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành.

Hai cơ quan xác định cơ chế phối hợp để tiếp tục chỉ đạo và quản lý doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, thực hiện sắp xếp đổi mới doanh  nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.

Nội dung bàn giao gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như: Quyết định thành lập doanh nghiệp; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...

Việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một sự thay đổi lớn, thể chế hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay bằng việc hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ.

Sự tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước chính là hoạt động nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngày càng phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.