Bảng giá đất mới tăng hàng chục lần, chuyên gia lý giải thế nào?

Đông Bắc 15:04 | 15/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TP HCM là địa phương đưa ra dự thảo Bảng giá đất mới sau khi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8 và giá đất vùng ven tăng gấp cả chục lần. Chuyên gia cho rằng, Luật mới có hiệu lực dần sẽ đưa giá đất về đúng với thị trường.

 

Bảng giá đất mới TP HCM tăng lên cả chục lần

 Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024 thay thế Quyết định 02 của UBND TP HCM diễn ra ngày 12/8.

Theo dự thảo bảng giá điều chỉnh mới do Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM công bố lấy ý kiến, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình từ 5-10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh từ 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Sở này cho rằng nếu tính cả hệ số K, thì so với Quyết định 02 giá đất chỉ tăng khoảng 2,5 lần và bằng 70% mặt bằng giá thị trường.

Đơn cử, tại Hóc Môn, đường song hành Quốc lộ 22 (đoạn Lý Thường Kiệt đến Nhà máy nước Tân Hiệp), dự kiến mỗi m2 tăng từ 780.000 đồng lên 39,6 triệu đồng. Cũng tuyến đường này đoạn từ Nguyễn Ảnh Thủ đến Lý Thường Kiệt mỗi m2 tăng từ 1,4 triệu đồng lên 71 triệu đồng.

 

 TP HCM dự thảo bảng giá đất mới tăng nhiều lần gây nhiều tranh cãi. Ảnh VNE.

 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng: Bảng giá đất dự thảo được tính toán chưa hợp lý. Tại một số tuyến đường ở nhiều địa phương lấy giá cũ theo Quyết định 02 nhân với 5-6 lần để ra giá mới, mà không có cơ sở rõ ràng. Trong khi đó, những huyện vùng ven lại tăng quá cao, có địa phương lên đến hơn 50 lần. Điều này khiến người dân tại đây muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất chịu ảnh hưởng rất lớn và cảm thấy "không công bằng khi tỷ lệ tăng quá cao". 

Theo Sở TNMT TP HCM, nguyên tắc xuyên suốt của công tác điều chỉnh Bảng giá đất là cập nhật các cơ sở dữ liệu giá đất đã được phê duyệt tại các dự án bồi thường, dự án nộp tiền sử dụng đất và giá giao dịch do các cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế cung cấp. Do đó, giá đất tại Bảng giá đất điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn thành phố....

Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh đang được Sở TNMT TP HCM lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, trình Hội đồng thẩm định Bảng giá đất thành phố thẩm định sau đó UBND Thành phố xem xét phê duyệt.

Dự kiến bảng giá đất mới của TP HCM nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, tuy nhiên cuối năm nay thành phố sẽ đánh giá lại để đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế. Từ đầu năm 2026, TP HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024.

Mặc dù mới là dự thảo nhưng nhìn chung giá đất tăng lên đến 50 lần chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng người sử dụng đất, nhất là bộ phận người dân thuần sử dụng đất để ở, sản xuất, kinh doanh. Do đó, các chuyên gia đã đóng góp nhiều giải pháp trước khi áp dụng Bảng giá đất mới theo luật quy định.

Bảng giá đất mới của TP HCM cao nhưng phản ánh đúng thị trường

Tại Hội thảo “Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan” do Tạp chí Thương gia tổ chức sáng 15/8, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những đánh giá về quy định bảng giá đất mới.

Theo ông Chính, một điểm mới của Luật Đất đai 2024 so với Luật Đất đai 2013 là quy định về khung giá đất đã được loại bỏ. Luật mới ban hành bảng giá đất hàng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

  Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh Thương Gia. 

Cụ thể, UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Vừa qua, mới có TP HCM công bố bảng giá đất mới. Ngay lập tức, thông tin này nhận về nhiều ý kiến trái chiều về mức giá tăng cao. Tuy nhiên, ông Chính đánh giá, mức giá này phản ánh đúng thị trường hiện nay và cũng theo nguyên tắc của thị trường.

"Về cơ bản, mức giá đất mới áp dụng cần phải đáp ứng những yếu tố thị trường và đảm bảo quyền lợi của người dân có quyền sử dụng đất. Mức giá đất phải được giải quyết đồng bộ, đảm bảo sự rạch ròi, minh bạch giữa thu về và mức giá bồi thường cho người dân", ông Chính nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của ông Chính, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, luật mới ban hành, các nghị định hướng dẫn khá chi tiết. Tuy nhiên vì mới nên các cơ quan và địa phương hiện nay vẫn trong quá trình nghiên cứu thực hiện, không tránh được lúng túng. Vì vậy bảng giá TP HCM mang tính chưa chính thức, mới là dự thảo.

"Tôi cho rằng việc phổ biến, hướng dẫn thực hiện liên quan giá đất cần sớm có hoạt động tập huấn cho cán bộ chính quyền các địa phương. Hiện tượng TP HCM mọi người ngạc nhiên rất cao. Tại Hà Nội thì bảng giá đất thấp quá trong khi đấu giá thì cao. Vì vậy tôi cho rằng tất cả phải quy về thị trường và để mọi sự quyết định, không nóng vội. Ngoài ra, cần bổ sung xây dựng chỉ số giá đất, giá bất động sản, đây sẽ là cơ sở tham chiếu tốt nhất cho việc xác định giá tốt hơn", ông Đính nhấn mạnh.