Bank of America dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 7 lần trong năm 2022
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, thu nhập trung bình theo giờ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhích 0,7% trong tháng 1 năm nay và tăng 5,7% trong 12 tháng qua. Ngoại trừ hai tháng trong giai đoạn đầu của đại dịch, số liệu của tháng 1 là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2007.
Thu nhập tăng là tin vui đối với người lao động, nhưng lại là một khó khăn khác đối với Fed - ngân hàng trung ương bị cho là đang chậm chân về chính sách tiền tệ và phải cố gắng bắt kịp tốc độ tăng trưởng của lạm phát.
"Nếu là Chủ tịch Fed, đáng lẽ tôi đã tăng lãi suất từ mùa thu năm ngoái. Khi số liệu tăng trên diện rộng và bắt đầu tác động đến tiền lương, rõ ràng Fed đã bị tụt lại phía sau và phải bắt đầu thắt chặt chính sách ngay", ông Harris nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế tại Bank of America dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất tổng cộng 7 lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Sang năm 2023, ngân hàng trung ương quyền lực này sẽ nâng lãi suất thêm 4 lần nữa. Đây là một trong các dự báo mạnh bạo nhất tại Phố Wall hiện giờ, CNBC cho hay.
Ông Harris cho biết bản thân sẽ không rút lại dự báo, mặc dù dữ liệu của nền tảng CME cho thấy khả năng Fed nâng lãi suất tới 7 lần trong năm nay chỉ có xác suất xảy ra khoảng 18%.
Vị chuyên gia của Bank of America đã đề cập đến chính sách tiền tệ mà Fed thông qua vào tháng 9/2020. Ngân hàng trung ương Mỹ đã cho phép lạm phát tăng cao hơn mục tiêu 2% để thúc đẩy thị trường việc làm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát đã tăng 7% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 12/2021 và thị trường lao động ngày càng thắt chặt, Fed đang rơi vào cảnh đuổi bắt với chính sách tiền tệ.
"Cách tiếp cận của Fed có vấn đề. Điều khiến chúng tôi kêu gọi Fed tăng lãi suất 7 lần là nền kinh tế Mỹ không chỉ đạt được các mục tiêu của giới hoạch định chính sách, mà còn hoàn thành một cách vũ bão, không có dấu hiệu dừng lại", ông Harris nhấn mạnh.
Vị chuyên gia lưu ý rằng tiền lương đang tăng ở hầu hết các cấp thu nhập. Giải trí và khách sạn - lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh, đã chứng kiến mức tăng thu nhập 13% trong năm qua. Mức lương trong lĩnh vực tài chính tăng 4,8%, trong lĩnh vực thương mại bán lẻ cao hơn 7,1%.
Đại khủng hoảng lao động đóng vai trò gì?
Goldman Sachs nói thu nhập tăng mạnh liên quan một phần đến "Great Resignation", tạm hiểu là đại khủng hoảng lao động. Trong cả năm 2021, người Mỹ đã bỏ việc hoặc đổi việc tổng cộng 47,4 triệu lần, Theo Bộ Lao động nước này.
Goldman Sachs cho hay: "Đại khủng hoảng lao động bao gồm hai xu hướng khác nhau nhưng lại có mối liên hệ với nhau: hàng triệu người đã rút khỏi thị trường lao động và hàng triệu người khác bỏ việc để tìm kiếm những cơ hội tốt với mức lương cao hơn".
"Hai xu hướng trên đã thúc đẩy tiền lương tăng mạnh, làm gia tăng lo ngại về triển vọng lạm phát", các chuyên gia tại Goldman Sachs cảnh báo.
Đại gia ngân hàng Mỹ cho rằng tăng trưởng tiền lương sẽ chững lại trong năm nay, nhưng chỉ giảm một chút xuống còn khoảng 5% cả năm. Hiện tại, Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất tổng cộng 4 lần trong năm 2022.
Thị trường đang đánh giá số lần tăng lãi suất của Fed. Bây giờ, các nhà đầu tư tin ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất khoảng 5 lần trong năm nay nhưng cũng không loại trừ khả năng Fed tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn.
Trong khi nhà đầu tư nhìn chung đều đoán Fed sẽ nâng lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3, một số người vẫn tin về khả năng tăng 50 điểm bản, tỷ lệ đã lên tới gần 30%.
Ông Harris của Bank of America cho biết việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản là một "động thái hợp lý", dù ông lưu ý rằng điều này sẽ không phù hợp với cách tiếp cận "khiêm tốn" mà Chủ tịch Fed Jerome Powell đã ủng hộ trong cuộc họp hồi tháng 1.
Ngoài ra, ông Harris không thực sự nghĩ rằng việc tăng lãi suất sẽ phá hủy nền kinh tế Mỹ, miễn là Fed vẫn có thể truyền đạt đến thị trường rằng họ có đường đi nước bước rõ ràng và mục đích chung vẫn là kiểm soát lạm phát chứ không phải kiềm chế tăng trưởng.