Báo doanh thu và lợi nhuận cao chưa từng có, 'ông trùm lẩu nướng' Golden Gate chốt chia cổ tức tiền mặt 65%

Trang Mai 15:30 | 31/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo kiểm toán mới công bố, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) ghi nhận doanh thu gần 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên 660 tỷ đồng trong năm 2022.

Doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục trong năm 2022

Cụ thể, năm 2022, doanh thu thuần của Golden Gate đạt 6.965 tỷ đồng, gấp 2 lần năm trước đó. Chiếm 99,9% doanh thu là mảng bán thực phẩm và đồ uống, tương đương 6.955 tỷ đồng. Mảng doanh thu hợp đồng xây dựng và doanh thu từ hoạt động khác chỉ chiếm chưa tới 1%. 

Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng do hoạt động kinh doanh phục hồi nhưng sau khi trừ chi phí, Golden Gate vẫn lãi ròng hơn 658 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp từ khi thành lập, thậm chí bằng nhiều năm trước cộng lại. 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Golden Gate ghi nhận hơn 2.943 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền mặt và tiền gửi của Công ty tăng 42%, lên 534 tỷ đồng. Khoản lãi tiền gửi, cho vay cũng khiến doanh thu tài chính của tập đoàn tăng gần 5 lần, từ 9 tỷ lên 43 tỷ trong năm 2022. 

Mặt khác, hàng tồn kho cũng tăng hơn 25%, lên 811 tỷ đồng, bao gồm nguyên vật liệu, hàng mua đang đi đường cùng thành phẩm và một số hàng hoá khác. 

Trong năm 2022, Golden Gate đã chi gần 400 tỷ để sửa chữa, cải tạo nhà hàng. Sau thời gian dài đóng cửa để thực hiện giãn cách do dịch bệnh, khoản chi này là điều kiện để doanh nghiệp mở lại chuỗi cửa hàng. 

Bên cạnh đó, chủ chuỗi GoGi House, Kichi Kichi... ghi nhận tổng nợ phải trả vào cuối năm 2022 gần 1.590 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm trước. Đáng chú ý, Golden Gate năm qua đã giảm gần hết vay nợ dài hạn, từ 546 tỷ đồng xuống chỉ còn 65 tỷ đồng. Nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn cũng giảm gần 32% xuống 734 tỷ đồng.

Chốt chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 65%

Golden Gate được thành lập năm 2005, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp vào năm 2008, hiện có vốn điều lệ hơn 77 tỷ đồng; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. 

Đầu tháng 3 vừa qua, HĐQT Công ty đã thông qua việc chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của Công ty tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này dự kiến đổi tên công ty từ CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành CTCP Tập đoàn Golden Gate. 

Bên cạnh việc công bố kết quả kinh doanh, doanh nghiệp cũng chốt phương án tạm ứng cổ tức 2022 bằng tiền với tỷ lệ 65%, tương ứng 6.500 đồng/cổ phiếu. Danh sách cổ đông nhận cổ tức sẽ được chốt ngày 11/4. Ngày thực hiện chi trả dự kiến là 11/5/2023.

Trong một diễn biến khác của năm 2022, Golden Gate đã tiến hành thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) lớn. Theo đó, cơ cấu cổ đông của Golden Gate đã thay đổi với việc 32,92% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts Pte Ltd (Singapore) và một phần nhỏ vốn góp của 2 nhà đồng sáng lập công ty đã được chuyển đổi sang các nhà đầu tư mới: Temasek, SeaTown Private Capital Master Fund (Singapore) và Periwinkle Pte Ltd cũng của Singapore. Tổng số cổ phần chuyển nhượng cho nhóm cổ đông mới là 35,95%.

Ngoài nhóm cổ đông trên, tính đến cuối năm 2022, Golden Gate có số vốn điều lệ 1.354 tỷ đồng, trong đó có 3 cổ đông sáng lập là Tổng Giám đốc Đào Thế Vinh với 400.537 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ sở hữu 5,2% vốn, Chủ tịch HĐQT Trần Việt Trung và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Tường cũng lần lượt sở hữu 2,2% và 3% vốn điều lệ. 

Cùng với đó, hơn 43,8% cổ phần của Golden Gate do CTCP Golden Gate Partners nắm giữ. Công ty này thành lập từ tháng 6/2014, hiện do ông Trần Việt Trung giữ chức Tổng Giám đốc.

Hiện tại, ông Trần Việt Trung đang sở hữu 176.020 cổ phiếu, ước tính nhận về hơn 1,1 tỷ đồng tiền cổ tức theo tỷ lệ chia 65% mà Golden Gate vừa chốt. Tổng Giám đốc Đào Thế Vinh đang sở hữu 400.537 cổ phiếu, ước tính nhận hơn 2,6 tỷ đồng.