Chiến lược đặc biệt gì giúp Golden Gate Group đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD?
Ngày 15/3 vừa qua, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã chính thức công bố giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, chuyển nhượng 35,95% cổ phần cho nhóm cổ đông mới đến từ Singapore, theo đó cơ cấu cổ đông ngoại tại doanh nghiệp này có sự thay đổi.
Cụ thể, 32,92% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts Pte Ltd và một phần nhỏ vốn góp của 2 nhà đồng sáng lập công ty đã chuyển đổi sang cho nhóm cổ đông mới bao gồm Temasek; SeaTown Private Capital và Periwinkle Pte Ltd (Singapore).
Khi được hỏi về kế hoạch và lộ trình hướng tới cột mốc doanh thu 1 tỷ USD mà Golden Gate từng nhắc tới, Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate), ông Đào Thế Vinh cho biết: Trong vòng vài năm tới chúng tôi chắc chắn vẫn sẽ tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng, nhằm đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng doanh thu ít nhất 2 con số mỗi năm như trước khi dịch bệnh diễn ra. Nhìn tổng thể thì chiến lược kinh doanh của Golden Gate sẽ tập trung vào 2 trụ cột: đầu tư chiều rộng và chiều sâu.
Về chiều rộng, cuối tháng 2/2022, Golden Gate đã có tổng số hơn 400 nhà hàng tại hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước. Chúng tôi có kế hoạch và mục tiêu nâng tổng số nhà hàng lên con số trên 1.000 trong vài năm tới bằng việc tập trung phát triển các nhóm ngành hàng lẩu, nướng và nâng cấp các thực đơn mang đậm văn hóa của đất nước Nhật Bản để thu hút khách hàng.
Sau quãng thời gian chững lại vì giãn cách xã hội, các thương hiệu chủ lực và quen thuộc như Gogi, Manwah, Kichi… đã hồi sinh mạnh mẽ với doanh thu ngang bằng hoặc cao hơn trước đại dịch.
Về nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhà hàng (đầu tư chiều sâu), Golden Gate vẫn đã, đang tập trung vào sứ mệnh nâng cao trải nghiệm của khách hàng qua việc nâng cấp không gian nhà hàng, trang bị các thiết bị công nghệ mới, đặc trưng hóa hình ảnh của mỗi nhà hàng và chuỗi nhãn hàng để khách hàng luôn cảm thấy mới mẻ khi đến với Golden Gate.
Sứ mệnh của Golden Gate là “Nhân viên hạnh phúc, khách hàng hài lòng”, chúng tôi cho rằng, các nhân viên của mình phải hạnh phúc mới có thể cung cấp dịch vụ hoàn hảo, lan tỏa hạnh phúc của mình trong công việc tới khách hàng và tạo ra sự hài lòng cho họ. Golden Gate cũng tiếp tục đầu tư vào công nghệ số, ứng dụng số không chỉ trong việc gọi đồ ăn, giao hàng, thanh toán mà còn áp dụng công nghệ vào hệ thống quản trị nội bộ, tối ưu hóa năng suất lao động và chi phí hoạt động của công ty.
Nói về khả năng thực hiện mục tiêu dù đang chịu sự tác động của đại dịch COVID-19, ông Đào Thế Vinh chia sẻ: Chúng tôi ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021 thể hiện ở một số tiêu chí quan trọng sau.
Thứ nhất, doanh thu thuần năm 2021 đạt 3.320 tỷ, bằng 73% doanh thu thuần năm 2020 mặc dù các nhà hàng chỉ hoạt động 65% thời gian năm.
Thứ hai, về mặt tăng trưởng: Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi quy định giãn cách xã hội, doanh thu bắt đầu hồi phục và tăng trưởng, đặc biệt từ quý 4/2021 khi các nhà hàng bắt đầu được mở bán trở lại. Lượt khách tới nhà hàng trong tháng 10/2021 tăng gấp 4 lần so với tháng trước đó, lượt khách tháng 12/2021 đạt hơn 1 triệu lượt, gấp đôi so với tháng 10/2021.
Thứ ba, mở mới nhà hàng năm 2021: 44 nhà hàng, đóng/chuyển đổi 37 nhà hàng.
Thứ tư, chuỗi nhà hàng: hơn 400 nhà hàng tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước (tại thời điểm tháng 2/2022).
CEO Golden Gate Group cũng tiết lộ thêm về việc Golden Gate “sống sót” và trụ vững trong những giai đoạn dịch bệnh càn quét dữ dội nhất.
CEO Golden chia sẻ": Thực tế cho thấy, Golden Gate đã thích ứng nhanh chóng với môi trường đầy thách thức giữa đại dịch. Khi Việt Nam có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế trong tương lai, tiềm năng tăng trưởng của ngành F&B và đặc biệt là tiềm năng tăng trưởng của Golden Gate - một trong những công ty F&B hàng đầu thị trường chính là điểm thu hút các nhà đầu tư mới.
Khi làm việc với các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư cũ và mới, Golden Gate luôn minh bạch, rõ ràng về chiến lược phát triển của mình, trong đó bao gồm cả chiến lược về cột mốc doanh thu 1 tỷ USD trong tương lai".
Ông Đào Thế Vinh chia sẻ: Tôi cho rằng, chúng tôi có sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng cũng như rất chủ động đối phó với dịch bệnh kéo dài. Có thể tóm tắt cách thức công ty ứng phó với đại dịch như sau:
Nhân viên tại tất cả các nhà hàng đều được yêu cầu tuân thủ “Quy trình 6 bước an toàn Covid” của Golden Gate cũng như các hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y Tế
Khi đến với các nhà hàng của Golden Gate, khách hàng có thể dễ dàng nhận thấy nhiều tiện ích công nghệ được áp dụng như: gọi món và thanh toán tại kiosk khi đến iPhở, sử dụng tablet order tại các nhà hàng (Customer Order), hệ thống kiểm soát thứ tự, thời gian ra món cho từng bàn tích hợp với tablet order món dành cho khách hàng (Kitchen Display System).
Không chỉ ứng dụng công nghệ khi phục vụ khách hàng, Công ty còn thực hiện quá trình chuyển đổi số nhanh, mạnh mẽ trên tất cả hoạt động của công ty khác, như kiểm tra chất lượng, quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp, đào tạo…
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, Golden Gate đã đẩy mạnh dịch vụ G-Delivery, giao các combo nướng lẩu, các món ăn Ready-to-eat chuẩn hương vị nhà hàng tới tận tay khách hàng.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà Golden Gate luôn quan tâm, hướng tới là hỗ trợ và đảm bảo cuộc sống cho người lao động: bằng việc cân đối tài chính để ưu tiên cho các khoản chi trả lương cho toàn bộ nhân viên. Hình thức làm việc tại nhà hoặc cơ chế làm việc linh hoạt cũng được áp dụng nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Các hoạt động văn hóa doanh nghiệp, tăng thời lượng đào tạo nội bộ vẫn được chú trọng với mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý nhà hàng.
Cuối cùng, CEO Golden tiết lộ về lộ trình để thực hiện mục tiêu: Chúng tôi có lộ trình khá cụ thể để tiến tới các mục tiêu của mình. Các nhân tố ảnh hưởng trọng yếu đến kế hoạch này cũng được ban lãnh đạo công ty xác định và sẽ thay đổi để phù hợp với tình hình mới, như cách mà chúng tôi đã thích ứng trong hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua. Trong thời gian tới, Golden Gate vẫn tiếp tục phát triển việc áp dụng chuyển đổi số và công nghệ trong vận hành nhà hàng cũng như trong quản trị nội bộ, dự báo xu hướng của thị trường, tối ưu chi phí, nâng cao năng suất lao động nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ đem tới cho khách hàng.
Ông Đào Thế Vinh là một trong 3 nhà sáng lập của Golden Gate, bên cạnh Trần Việt Trung và Nguyễn Xuân Trường. Trong đó ông Trung đang là thành viên HĐQT nắm giữ 4,43% vốn và ông Trường đang là phó tổng giám đốc sở hữu riêng 3,98% cổ phần.
Trong khi đó, phần lớn cổ phần còn lại 82,14% thuộc về sở hữu của các tổ chức. Riêng Golden Gate Partners (công ty chung của 3 nhà sáng lập trên) là cổ đông lớn nhất sở hữu 44,22% và Prosperity Food Concepts Pte Ltd (Singapore) nắm giữ 37,92% cổ phần Golden Gate.