Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 2): Dự án dang dở, đất đối ứng đã rao bán rầm rộ

06:38 | 25/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù nhiều hạng mục của dự án BT còn đang ngổn ngang, nhưng nhiều phần đất đối ứng được UBND tỉnh Bắc Ninh giao công ty TNHH xây dựng An Bình lại được vô tư phân lô, xây dựng và rao bán rầm rộ trong một thời gian dài.

LỜI TÒA SOẠN: Trong những năm vừa qua, nhìn nhận một cách khách quan không thể phủ nhận được vai trò của các dự án BT (đổi đất lấy công trình). Các dự án BT đóng góp một vai trò trong sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và điều kiện môi trường. Đặc biệt, các dự án BT nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và minh bạch sẽ còn góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.

Mô hình đầu tư theo hình thức BT có thể hiểu một cách đơn giản hơn đó chính là các dự án được xây dựng, được chuyển giao, hay còn được gọi là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Nhìn tổng thể thì hình thức này đã góp phần không nhỏ phát triển hệ thống hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ lợi ích cộng đồng, đặc biệt là huy động nguồn lực khu vực tư nhân. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của cơ quan quản lý và chuyên gia kinh tế cũng vạch ra nhiều lỗ hổng và vấn đề đã, đang hiện hữu trong quá trình thực hiện các dự án BT.

Tại hội thảo khoa học: “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra vào tháng 3/2020, với sự tham dự của các lãnh đạo, chuyên gia và nhà khoa học của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc hội và UBND một số tỉnh, thành phố phía bắc cũng chỉ ra nhiều vấn đề xung quanh việc triển khai các dự án BT.

Theo Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30-1-2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, đến nay cả nước đã có 336 dự án PPP (trong đó, 140 dự án theo hợp đồng BOT, 188 dự án theo hợp đồng BT và tám dự án được áp dụng các loại hợp đồng khác); huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia). Trong đó, 99 dự án BT với tổng vốn đầu tư khoảng 117.421 tỷ đồng, ba dự án theo hình thức khác.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, đối với các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất cũng đã bộc lộ một số bất cập (tương tự như các dự án BOT) về công tác công bố dự án, lạm dụng chỉ định thầu, công tác giám sát lỏng lẻo... Ngoài ra, công tác xác định giá trị quỹ đất để thanh toán còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, chênh lệch giữa giá đền bù, giá công bố của chính quyền địa phương và giá bán của nhà đầu tư gây bức xúc trong xã hội.

Hơn nữa, nhiều dự án đầu tư được phê duyệt khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; Việc xác định giá trị nghiệm thu thanh toán áp dụng giá vật tư, xăng, dầu, cát vàng, xi-măng… không đúng tại thời điểm thi công làm tăng giá trị ảo cho dựa án.

Tính đến thời điểm 2018, qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước tới nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.

Thanh tra Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định Pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP. Hà Nội. Tại thời điểm thanh tra, có 15 dự án theo hình thức hợp đồng BT, chỉ có một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.

Tại một số dự án BT, có hiện tượng cơ quan chức năng TP. Hà Nội thẩm định, phê duyệt sai, ẩu, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất.

Với thực trạng như vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đặt câu hỏi: "các dự án BT sẽ mang lại lợi ích cho ai?". Thực chất, các dự án BT là sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ. Điều này dẫn đến việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, khi một con đường mới được xây dựng theo hình thức BT, chủ đầu tư lại được giao đất đối ứng ngay cạnh dự án đó. Như vậy, rõ ràng khi dự án được hoàn thành, giá trị bất động sản tại khu đất đó sẽ được tăng lên nhiều lần. Con đường mới xây đó không gì khác là phục vụ cho chính dự án của chủ đầu tư và cư dân tại đó sau này. Trong những năm vừa các dự án BT mặc dù được đã đặt nhiều kỳ vọng, tuy nhiên do quá trình thực hiện còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả không cao, chủ yếu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Nhận định từ phía Thanh tra Chính phủ, việc giám sát thực hiện hợp đồng các dự án BT (xây dựng — chuyển giao) của UBND TP Hà Nội và các cơ quan có liên quan còn chưa chặt chẽ. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh, tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

Bài 2: Công trình chưa xong, đất đối ứng đã thành “hàng bày bán”

 
Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng đường giao thông ĐX8 và đường trục xã Yên Trung đoạn từ UBND xã đi Xuân Cai, xây dựng trường mầm non số 2 và nhà văn hoá thôn Yên Lãng xã Yên Trung, huyện Yên Phong được UBND tỉnh Bắc Ninh mời chào thực hiện theo hình thức BT (là hợp đồng xây dựng – chuyển giao công trình. Đây là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư).
 
Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 2): Dự án dang dở, đất đối ứng đã rao bán rầm rộ - ảnh 1
 

Dự án đường trục xã Yên Trung đoạn từ UBND xã đi Xuân Cai vẫn đang ngổn ngang chưa được hoàn thành.

 
Doanh nghiệp được tỉnh Bắc Ninh chọn mặt gửi vàng đầu tư dự án là Công ty TNHH xây dựng An Bình (chỉ định thầu). Hơn 91 nghìn m2 đất (đã được đền bù giải phóng mặt bằng) sẽ được đổi lấy 2 con đường mới cùng một nhà văn hóa và một trường mầm non.
 
Mặc dù dự án kể trên còn chậm tiến độ, nhiều hạng mục còn chưa được thực hiện xong, chưa bàn giao cơ sở hạ tầng nhưng hơn 91 nghìn m2 đất đối ứng đã được Công ty TNHH An Bình san lấp, phân lô để bán rầm rộ suốt thời gian qua, thậm chí công ty này còn có dấu hiệu huy động vốn trái phép.
 
Theo đó, ghi nhận của PV, đoạn đường trục xã Yên Trung đoạn từ UBND xã đi Xuân Cai vẫn còn nham nhở, đất đá được để ngổn ngang hai bên đường, chưa có dấu hiệu hoàn thiện và đi vào sử dụng. Tiếp đến, tại công trình xây dựng trường mầm non số 2 nhiều hạng mục vẫn chưa được hoàn thiện, đất đá ngổn ngang, cổng trường vẫn đang tiếp tục được công nhân thi công.
 
Về hạng mục nhà văn hoá thôn Yên Lãng, công trình này cũng mới chỉ xây dựng xong phần thô, chưa được hoàn thiện chỉnh trang.
 
Dù công trình vẫn còn đang ngổn ngang, tuy nhiên phần đất hơn 91 nghìn m2 đối ứng đã được chủ đầu tư lập dự án phân lô và rao bán rầm rộ.  Trong vai một nhà đầu tư, PV đã tiếp cận được một “cò đất” tại dự án, mức giá được người này đưa ra từ 7 đến 8 tỷ đồng 1 lô, theo hình thức góp vốn đầu tư.
 
Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 2): Dự án dang dở, đất đối ứng đã rao bán rầm rộ - ảnh 2
 

Hợp đồng góp vốn đầu tư của công ty An Bình được thực hiện từ năm 2017.

 
Đồng thời, người này cũng cung cấp cho PV mẫu hợp đồng góp vốn đầu tư trước đó mà người mua đã kí với công ty TNHH xây dựng An Bình. Và ngạc nhiên hơn khi hợp đồng góp vốn này đã được thực hiện từ năm 2017.
 
Liên quan tới sự việc, PV đã liên hệ với UBND huyện Yên Phong, cơ quan này trả lời chung chung rằng sẽ tìm hiểu và có phản hồi lại sau.
 
Phân tích vấn đề trên phương diện pháp luật, Luật sư Hồng Ngọc – Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: “Trong các hợp đồng BT, cơ quan chức năng được xác định có vai trò là chủ đầu tư, còn doanh nghiệp là nhà thầu.”
 
Luật sư Ngọc phân tích, về nguyên tắc, khi dự án được làm xong thì chủ đầu tư mới dùng tài sản công đối ứng lại hoặc đối ứng theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào tiến độ của dự án. Tuy nhiên, một số trường hợp dự án BT chưa thực hiện xong nhưng phần đất đối ứng đã được rao bán để thu về lợi nhuận.
 
“Cách làm cầm đèn chạy trước ô tô như vậy cho thấy doanh nghiệp rất khôn lỏi, cái gì có lợi thì họ làm trước, như việc lập dự án bán trước phần đất đối ứng mang lại lợi ích cho họ ngay thì họ làm, còn công trình của nhà nước thì làm ngắt quãng mãi không xong.” – Luật sư Ngọc cho hay.
Theo Luật sư Ngọc, cơ quan quản lý nhà nước phải phát hiện và xử lý thật nghiêm những trường hợp như vậy.
 
Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, thuộc Kiểm toán Nhà nước, với cơ chế quản lý các dự án BT hiện nay sẽ dễ dẫn đến việc tài sản công bị 2 lần thất thoát.
 
Ông Hòa cho rằng, hầu hết tại các dự án BT hiện nay, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, tự giám sát, quản lý hoặc thuê tư vấn quản lý, nghiệm thu…Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hợp đồng. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý mới thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực để hỗ trợ thực hiện việc giám sát.
 
“Như vậy, không chỉ nguy cơ thất thoát về quá trình đầu tư xây dựng công trình BT khi chỉ định thầu và nhà đầu tư được quyết định tất cả từ thi công đến giám sát…, việc đổi đất lấy hạ tầng với giá trị chênh lệch từ đất đai là nguy cơ thất thoát thứ 2” – PGS Hòa nhận định.
 
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong phải sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ quá trình triển khai dự án BT nêu trên để tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. (Còn nữa).
Nhật Nam