Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 4): “Biến hình” như Lã Vọng?

08:43 | 21/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù đã thoái vốn tại Lã Vọng Group, liệu những sai phạm trong quá khứ tại các dự án đã bị Thanh tra chính phủ nêu rõ thì doanh nhân Lã Văn Vọng có thực sự “thoát xác” thành công hay không?

Ông trùm nhà hàng “biến hình” thành đại gia BĐS

Công ty Cổ phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng) được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng do ông Lê Văn Vọng làm người đại diện pháp luật với chức danh Tổng giám đốc. Khi mới thành lập, Tập đoàn Lã Vọng chủ yếu cung cấp các dịch vụ thương mại về ăn uống, giải trí với hệ thống các quán cafe và nhà hàng ăn uống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Năm 2008, vào thời điểm thị trường bất động sản sôi động, ông Vọng bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực này. Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới của Lã Vọng được lập ra để phát triển dự án khu đô thị Ngôi nhà mới ở Quốc Oai.

Năm 2017 khi Công ty Cổ phần Đầu tư Louis Group (Louis Group) chuyên về mảng văn phòng, căn hộ và trung tâm thương mại cao cấp chính thức được thành lập, ông Vọng tiếp tục là cổ đông sáng lập và là người đại diện pháp luật của công ty này.

Ông Lã Văn Vọng được biết đến với chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Lã Vọng như: nhà hàng Buffet hải sản Lã Vọng và nhà hàng Sashimi BBQ Garden; nhà hàng Hầm Lã Vọng (cùng ở Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa Nhân Chính, Quận Cầu Giấy, Hà Nội); nhà hàng Lã Vọng – Thế giới Bia (số 169 Hoàng Ngân, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội); nhà hàng hải sản Lã Vọng - Bán đảo Hoàng Cầu hay Nhà hàng Lã Vọng – Lẩu Cua Đồng (Quốc lộ 21, Cầu Vai Réo, Thị trấn Quốc Oai, Quốc Oai, Hà Nội).

Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 4): “Biến hình” như Lã Vọng? - ảnh 1

Lã Vọng ban đầu được biết đến về lĩnh vực kinh doanh nhà hàng

Cùng với đó là nhiều dự án BĐS lớn trên địa bàn TP Hà Nội gồm  Khu đô thị Louis City 30ha (Đại Mỗ), Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới 19,5ha (Quốc Oai), Dự án New House Xa La (Hà Đông) 10.553m2. Để có những dự án này, một số đơn vị thành viên của tập đoàn Lã Vọng đã triển khai các dự án BT. Có thể nói, Lã Vọng là doanh nghiệp trong top đầu về quỹ đất tại Hà Nội.

Tuy nhiên, việc sở hữu quỹ đất khổng lồ hầu hết không thông qua đấu giá, thiếu minh bạch cũng trở nên không mấy suôn sẻ với Lã Vọng Group.

Nhiều sai phạm

Ngày 17/1/2020, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo Kết luận thanh tra số 106/TB-TTCP về việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội.

Theo kết luận, 9 dự án do Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên thực hiện hoặc tham gia hợp tác đầu tư, thuê mặt bằng kinh doanh đều có những vi phạm. Trong đó, có thể thấy Lã Vọng sở hữu nhiều lô đất đẹp, giá trị cao thông qua các hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), cổ phần hóa, thậm chí là chuyển đổi sai mục đích sử dụng. Nhiều dự án BT được chỉ ra với những điểm bất hợp lý.

Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 4): “Biến hình” như Lã Vọng? - ảnh 2

Dự án New House City Quốc Oai của Lã Vọng

Điển hình như sau khi thực hiện Dự án cống nối Hồ Vục - hồ Đầu Bằng - hồ Tư Đình, Lã Vọng được Hà Nội đối ứng bằng một dự án khác là xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở tại khu đô thị chức năng tây nam đường 70 (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm). Theo đó, doanh nghiệp này nhận được 14,5 ha đất thanh toán.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc thanh toán dự án BT này, trong đó có xác định lãi suất để đối trừ tiền sử dụng đất phải nộp khi chưa có khối lượng hợp đồng BT, thời gian thực hiện kéo dài, tiếp tục được điều chỉnh là chưa có cơ sở.

Đáng chú ý, để đổi lấy số đất này, Lã Vọng chỉ cần bỏ ra khoảng 400 tỷ đồng (so với dự toán ban đầu là 610 tỷ đồng) để xây dựng công trình cho Hà Nội. Thanh tra Chính phủ kiến nghị doanh nghiệp này phải nộp thêm 125 tỷ đồng vào ngân sách.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện Lã Vọng được giao 27,5 ha đất tại khu đô thị Quốc Oai không thông qua đấu thầu. Điều này vi phạm quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Lã Vọng cũng tham gia vào dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp 20,9 km quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng số vốn 8.800 tỷ đồng, theo hình thức BT. Đổi lại, doanh nghiệp đề xuất được thanh toán 43 ô đất, diện tích 454,67 ha. Sau đó được cấp 41 ô với diện tích 441,26 ha. Đây cũng là một trong những dự án Lã Vọng được Hà Nội chỉ định thầu.

Trong thông báo của Thanh tra Chính phủ cũng đề cập chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về xử lý sau thanh tra. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm về việc thanh, quyết toán các dự án công khai, minh bạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Ve sầu thoát xác”?

Dường như dự được điều chẳng lành, trước đó thời điểm thanh tra, ông Lê Văn Vọng (năm 60% cổ phần tại Tập đoàn Lã Vọng) bất ngờ thoái toàn bộ vốn Tập đoàn Lã Vọng, đồng thời ông Vọng cũng thôi là người đại diện pháp luật cho Tập đoàn Lã Vọng. Cùng với ông Vọng hai cổ đông sáng lập nắm 40% cổ phần còn lại của Tập đoàn Lã Vọng cũng thoái hết sạch vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng. Thế nhưng từ tháng 1/2018 đến nay, Tập đoàn Lã Vọng vẫn hoạt động ở địa chỉ cũ. Không những vậy, ông Lê Văn Vọng còn thành lập một công ty mới có địa chỉ cùng hàng loạt doanh nghiệp trước đây của ông là Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (VFI Group).

Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 4): “Biến hình” như Lã Vọng? - ảnh 3

Ông Lã Văn Vọng (đang phát biểu) thoái vốn ngay trước thềm bị thanh tra

Ngay sau khi thành lập, Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới – thành viên Tập đoàn Lã Vọng và VFI Group đã nhanh chóng hợp tác, và trở thành liên danh nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án KĐT mới Trung Minh A, TP. Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.126 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn Lã Vọng và VFI còn liên danh đề xuất lập đồ án quy hoạch 3 dự án tại Phú Yên.

Dư luận thời điểm đó cũng dậy sóng với cùng một câu hỏi việc ông Lê Văn Vọng rút vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng trước thời điểm TTCP công bố quyết định thanh tra toàn diện các dự án của Lã Vọng trách nhiệm của ông Lê Văn Vọng như thế nào?

Bên cạnh đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Tp.Hà Nội căn cứ vào kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các sai phạm đối với 9 DA của Tập đoàn Lã Vọng. Riêng đối với các sai phạm tại DA Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, TTCP kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cán bộ Sở KH&ĐT về các tờ trình liên quan đến DA để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định; những cán bộ có sai phạm được phân công đảm nhiệm công việc khác, không được tiếp tục làm công tác tham mưu vè kế hoạch đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông báo chính thức về hình thức xử lý sai phạm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng?

Còn nữa

Nhóm PV

Xem thêm: Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 3): Giật mình trước những sai phạm của Gamuda và Tasco

ĐỌC NHIỀU