Bất động sản lao dốc và triển vọng kinh tế bấp bênh, người Trung Quốc ngày càng ngần ngại mua nhà

Khả Nhân 07:44 | 21/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường bất động sản lao dốc và triển vọng kinh tế ảm đạm khiến những khách hàng tiềm năng tại Trung Quốc phải hoãn kế hoạch mua nhà.

 

Giá nhà liên tục sụt giảm, trong khi triển vọng kinh tế bấp bênh, khiến nhiều người Trung Quốc ngần ngại mua nhà ở thời điểm hiện tại. (Ảnh minh hoạ: SCMP).

He Ying không có nhiều lựa chọn. Trong thời điểm kinh tế bất ổn, cô và chồng đã tạm hoãn kế hoạch mua căn hộ ở Quảng Châu trong năm nay bởi thị trường bất động sản đang rất trì tệ và thu nhập của gia đình nữ quản lý nhân sự 36 tuổi vừa bất ngờ sụt giảm.

“Trong vài năm qua, chúng tôi đã tiết kiệm để trả trước tiền mua nhà nhưng năm nay, thu nhập của chồng tôi rất bấp bênh”, He chia sẻ với South China Morning Post (SCMP).

Vào tháng trước, chồng cô đã phải di chuyển hơn 1.000 km đến tỉnh Chiết Giang để làm việc sau khi không thể tìm được bất kỳ công việc nào gần nhà trong nhiều tháng. Hiện tại, He và con trai hai tuổi đang ở Quảng Châu.

Giữa một thị trường bất động sản suy yếu và chưa có dấu hiệu chạm đáy, tại một quốc gia đang phải vật lộn với vấn đề nhâu khẩu học chưa từng có, He - tương tự nhiều người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu khác - dường như không để ý đến những lời động viên từ Bắc Kinh.

Theo SCMP, giới chức trách Trung Quốc đang hy vọng có thể thúc đẩy doanh số của những món hàng tiêu dùng giá trị, chẳng hạn như nhà cửa và ô tô, biến chúng thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm nay.

“Giá bất động sản đang giảm và ngày càng nhiều người trẻ chọn không kết hôn, mua nhà hoặc sinh con”, He cho biết. “Tất cả những điều này khiến tôi nghĩ rằng mình không nên mua nhà bây giờ, thay vào đó nên giữ tiền mặt phòng bất trắc”.

Nỗi lo lớn nhất

Trong 7 tháng đầu năm 2023, đầu tư vào bất động sản tại Trung Quốc đã sụt 8,5% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm mạnh nhất trong năm nay, trong bối cảnh một loạt dữ liệu yếu kém che mờ triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

Ở một nghiên cứu mới đây, Gavekal Dragonomics cho hay: “Mối lo lớn nhất [của chúng tôi] là lĩnh vực bất động sản, bởi thị trường vẫn không hề ấm lên”. Doanh số bán nhà có cải thiện đôi chút so với cùng kỳ năm trước nhưng số liệu của tháng 7 chỉ tương đương 60% mức trung bình năm 2019.

Số dự án mới chỉ bằng 37% so với năm 2019. Chỉ các công trình đã hoàn thành ghi nhận mức tăng trưởng dương, phần lớn là nhờ vào chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh nhằm hoàn thiện các dự án nhà ở bị đình trệ.

“Đà lao dốc của thị trường nhà đất cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường việc làm và tiêu dùng”, Gavekal Dragonomics cảnh báo.

Kể từ năm 2021, các cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã làm suy yếu sức khoẻ của nền kinh tế và thị trường tài chính. Tác động có thể thấy rõ từ vụ vỡ nợ trái phiếu đồng USD của Evergrande vào năm 2021 và làn sóng tẩy chay nợ vay thế chấp vào năm 2022.

Gần đây, công chúng càng lo sợ hơn khi Country Garden, một trong những nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, trễ hạn thanh toán tiền lãi trái phiếu. Và Sino-Ocean do nhà nước hậu thuẫn cũng gặp rắc rối tương tự.

 

Các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát ngành bất động sản từ cuối năm 2022. Hồi cuối tháng 7, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết các điều kiện cung - cầu trên thị trường đã thay đổi và hứa hẹn sẽ điều chỉnh chính sách.

Bắc Kinh cũng công bố một loạt biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế tư nhân và khuyến khích tiêu dùng kể từ cuối tháng 7. Trong kế hoạch 20 điểm nhằm mở rộng lĩnh vực tiêu dùng, chính phủ cam kết sẽ giải quyết vấn đề nhà ở cho cư dân đô thị mới cũng như người trẻ.

Song, Societe Generale bày tỏ lo ngại rằng các động thái của Bắc Kinh có thể không đủ mạnh để thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường nhà đất.

“Những chính sách quan trọng [mà Bắc Kinh cần triển khai] là nới lỏng hạn chế về nhu cầu nhà ở ở những thành phố lớn.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nếu chính phủ Trung Quốc không ra tay giải cứu các nhà phát triển lớn thì thị trường khó có thể sớm ổn định trở lại”, hai nhà phân tích Wei Yao và Michelle Lam của Societe Generale cho hay.

 

Người mua tiềm năng đứng bên lề thị trường

Nếu thủ đô Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế mua nhà, Wang Qiuyue dự định sẽ mua một căn hộ lớn. Trưởng bộ phận tại một công ty internet nhỏ cho biết anh hiện không thể mua nhà do những quy định về quyền sở hữu nhà ở liên quan đến nơi cư trú.

Bắc Kinh là một trong những thành phố hiện đại nhất của Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt với việc mua bất động sản và ô tô, theo SCMP.

“Tôi không dư ngân sách cũng như thời gian để chi tiêu cho bất cứ thứ gì ngoài việc trả nợ vay thế chấp và nuôi dạy con trai mình”, Wang, người có con trai vừa tròn một tuổi, cho hay. “Nhưng tôi đang rất lo lắng về triển vọng việc làm. Nếu tôi thất nghiệp, mọi kế hoạch sẽ đổ sông đổ bể”.

Hồi quý II, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện một khảo sát đối với 20.000 người gửi tiền ở 50 thành phố. Ngày càng ít hộ gia đình có dự định mua căn hộ trong ba tháng tới. Trong quý I, tỷ lệ những người muốn mua nhà là 17,5%, nay giảm còn 16,2%.

Trong khi đó, nhiều hộ gia đình dự đoán giá bất động sản sẽ giảm trong ba tháng tới, tỷ lệ tăng từ 14,4% lên 16,5%.

 

Yu Qian, một giáo viên tiếng Anh tự do 26 tuổi, đã cùng chồng và con trai mới sinh chuyển từ Tru Mã Điếm, một thành phố hạng ba, đến Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, để tìm công việc trả thu nhập tốt hơn.

Gia đình nhỏ sẽ không mua nhà vào lúc này. Họ đang thuê một căn hộ 90 m2 với giá 2.100 nhân dân tệ (tương đương 290 USD) một tháng. Giá bán của căn này vào khoảng 1,08 triệu nhân dân tệ.

“Chúng tôi cũng đang cân nhắc mua một căn hộ ở Trịnh Châu, nhưng tôi nghĩ giá nhà rất có thể sẽ giảm vào năm tới. Tính thanh khoản và giá trị của bất động sản bây giờ kém hơn nhiều so với trước đâu”, Yu nói.

“Tất cả những người bạn đã mua căn hộ trong vài năm qua đều hối hận về quyết định của họ”, cô Yu kể thêm với SCMP.

Eli Mai, Giám đốc kinh doanh của một công ty nước ngoài tại Quảng Châu, đã chứng kiến giá trị hai căn hộ của ông tăng từ 3,8 triệu nhân dân tệ hồi năm 2016 lên 6,4 triệu nhân dân tệ vào năm 2017. Giá đạt đỉnh 8 triệu nhân dân tệ vào năm 2021 và hiện tại đã tụt xuống dưới 7 triệu.

“Không ai biết trong tương lai nền kinh tế sẽ diễn biến ra sao. Trong hoàn cảnh đó, bạn không nên đầu tư một cách hấp tấp”, ông nói.

“Giờ đây, hầu hết những người sở hữu nhà tại Trung Quốc đều cảm thấy tài sản của họ đang mất giá đáng kể. Điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế và chi tiêu của người tiêu dùng”, Mai nhận định.

Li Wei, một nhân viên quảng cáo làm việc tự do tại Thâm Quyến, đang phải thanh toán 18.000 nhân dân tệ lãi vay mỗi tháng cho ba căn hộ mà cô mua vào cuối những năm 2010, khi thị trường địa ốc vẫn bùng nổ và người mua đều đặt cược rằng giá sẽ tiếp tục tăng.

Người phụ nữ 34 tuổi có con nhỏ hai tháng tuổi cho biết: “Thanh toán lãi vay thế chấp giờ là một gánh nặng lớn với tôi”. Mai vẫn chưa được thanh toán tiền lương cho dự án mà cô tham gia năm nay, áp lực do vậy càng nặng nề hơn.