Bất động sản thương mại của Việt Nam có sức hấp dẫn trong khu vực châu Á
Mặc dù trong bối cảnh thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hai đô thị lớn này vẫn duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư ngoại nhờ chi phí thuê văn phòng, mặt bằng bán lẻ cao cấp cạnh tranh được trong khu vực châu Á. Đặc biệt, tỷ lệ lấp đầy của những phân khúc này tại hai đô thị lớn đều duy trì ở mức cao.
Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt đứng thứ 12 và 17 trong số 21 thành phố được nghiên cứu về chi phí khách thuê. Đáng chú ý, giá thuê trung bình đối với mặt bằng hạng A tại Hà Nội đạt khoảng 41,6 USD/m2/tháng, thấp hơn một nửa so với các thị trường khác như Seoul (Hàn Quốc) là 97,6 USD/m2/tháng, Singapore khoảng 100,1 USD/m2/tháng và Bắc Kinh (Trung Quốc) với 101,7 USD/m2/tháng.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn được đánh giá là hai thị trường tiềm năng tại khu vực châu Á với tỷ lệ lấp đầy văn phòng luôn ở mức cao.
Cụ thể, Báo cáo Chỉ số giá Bất động sản (SPPI) của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý II/2023, tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy của các văn phòng hạng A đạt khoảng 82%, hạng B đạt 85% và hạng C lên tới 92%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường giữ ở mức 92%.
"Từ nhu cầu văn phòng cho thuê, điều dễ thấy là hoạt động kinh doanh năng động của các doanh nghiệp phát triển ở một số lĩnh vực mới tại cả hai thành phố. Tỷ lệ lấp đầy cao cùng chi phí thuê ở mức cạnh tranh là minh chứng rõ nét về sức hấp dẫn của thị trường văn phòng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đối với những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng", chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam chỉ rõ.
Khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam công bố cho thấy, bất chấp những thách thức về kinh tế, Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng có thể gia nhập thị trường trong thời gian tới. Điều này củng cố vị trí của Việt Nam khi là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của 1/3 doanh nghiệp trong khảo sát.
Bên cạnh đó, xu hướng bán lẻ phát triển mạnh cũng giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong phân khúc này.
Bối cảnh chung tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mặt bằng bán lẻ hạng sang đang thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2023 nhờ sự quay trở lại của làn sóng du lịch và nhà bán lẻ đồng thời tìm kiếm các mặt bằng kinh doanh khác. Trong những tháng cuối năm 2023, bán lẻ cao cấp được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi tại hầu hết các thị trường châu Á – Thái Bình Dương.
Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giá thuê bán lẻ cao cấp cũng được ghi nhận ở mức cạnh tranh so với nhiều thị trường khác tại châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, giá thuê trung bình mặt bằng bán lẻ cao cấp tại Hà Nội đạt mức 75 USD/m2/tháng và tại Thành phố Hồ Chí Minh là 152,8 USD/m2/tháng. Con số này thấp hơn thị trường khác như: Singapore với 365 USD/m2/tháng và thị trường đứng đầu là Hong Kong (Trung Quốc) giữ mức 787,8 USD/m2/tháng.
Nhận định về thị trường bán lẻ, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam luôn là điểm đến rất hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ. Không chỉ đối với các nhãn hàng cao cấp mà ngay cả lĩnh vực bán lẻ về thời trang hoặc hoạt động giải trí, ăn uống cũng ghi nhận nhu cầu lớn nhờ đặc điểm nhân khẩu học tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu và dân số trẻ đang thúc đẩy nhu cầu về các chủng loại sản phẩm mới hoặc thương hiệu mới gia nhập thị trường.
Riêng với phân khúc bán lẻ cao cấp, nhiều cửa hàng và thương hiệu trên các con phố lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hoạt động kinh doanh sôi động. Thậm chí, một số cửa hàng đạt hiệu suất hoạt động cao, kéo theo nhu cầu lớn về việc mở thêm cửa hàng của các nhà bán lẻ cao cấp xung quanh các tuyến phố như Tràng Tiền và Ngô Quyền tại Hà Nội - ông Matthew Powell dẫn chứng.
Đặc biêt, một điển hình thành công trong thời gian gần đây tại Hà Nội chính là dự án Lotte Mall West Lake (đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) được đánh giá là trung tâm mua sắm hàng đầu tại Việt Nam. Công trình được thiết kế hiện đại, xứng tầm đi kèm chất lượng xây dựng đảm bảo và chủ đầu tư có chiến lược khách thuê tốt. Nhờ đó, dự án thu hút thêm nhiều thương hiệu tới mở cửa hàng.
Ông Matthew Powell phân tích, thực tế cho thấy những trung tâm thương mại gặp khó khăn về khách thuê đều là nơi theo mô hình truyền thống, chủ yếu tập trung vào chức năng bán hàng. Còn những trung tâm thu hút được khách thuê hiện nay là những nơi có nhiều hoạt động bán lẻ mang tính trải nghiệm hơn.
Tại những thị trường lớn trên thế giới như Vương quốc Anh, châu Âu và Hoa Kỳ, mô hình trung tâm mua sắm đã dần chuyển mình theo hướng trở thành điểm đến trải nghiệm thay vì mục đích mua sắm đơn thuần.
Theo ông Matthew Powell, Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để nhanh chóng học hỏi từ những kinh nghiệm đó và phát triển mô hình bán lẻ linh hoạt. Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch là một tác nhân lớn, xúc tiến sự thay đổi của bức tranh bán lẻ toàn cầu.
Đối với phân khúc mặt bằng bán lẻ nhà phố, ông Matthew Powell chia sẻ, nhu cầu tìm kiếm những đắc địa tại khu vực trung tâm luôn được ghi nhận ở mức cao. Còn tình trạng trả mặt bằng bán lẻ trên các tuyến phố trung tâm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua là do chủ nhà tuy sở hữu mặt bằng tại vị trí đắc địa, nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhãn hàng, nhất là về thiết kế, kỹ thuật cũng như pháp lý.