Bên trong những 'trang trại' cày view ảo tại Việt Nam

Đức Huy (theo CNN) 14:14 | 13/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những trang trại này cung cấp lượt like, bình luận, chia sẻ, tương tác ảo cho người dùng trên các nền tảng mạng xã hội.

Ảnh: Jack Latham.

Nhiếp ảnh gia người Anh Jack Latham có hành trình chụp ảnh các "trang trại click" ở Việt Nam. Đây không phải những trang trại rộng lớn hay đồng ruộng mà là những nơi cày view ảo trên các nền tảng mạng xã hội.

Latham đã dành một tháng tại Hà Nội để ghi lại hình ảnh một số đơn vị cung cấp dịch vụ giúp khách hàng gia tăng lượt truy cập trực tuyến và tương tác ảo trên mạng xã hội với mục đích đánh lừa thuật toán cũng như nhận thức của người dùng.

Những bức ảnh xuất hiện trong cuốn sách mới của anh có tựa “Beggar's Honey” cung cấp cái nhìn về các công xưởng thuê nhân công giá rẻ để tạo ra những lượt like, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội.

“Hầu hết mọi người dùng mạng xã hội đều muốn thu hút sự chú ý. Họ đang ăn xin điều đó”, Latham trả lời phỏng vấn của CNN qua điện thoại. “Với mạng xã hội, nhu cầu được chú ý đó là sản phẩm dành cho các nhà quảng cáo tiếp thị”.

Vào thập niên 2000, phổ biến ngày càng tăng của các mạng xã hội như Facebook đã tạo ra thị trường cho các tài khoản số, cùng các công ty, thương hiệu cạnh tranh để tối ưu hoá khả năng hiển thị tới người dùng.

Mặc dù không rõ thời điểm các “trang trại click” bắt đầu phát triển ồ ạt, nhưng từ năm 2007, các chuyên gia công nghệ đã cảnh báo về những tài khoản ảo xuất hiện tại những thị trường thu nhập thấp.

Trong những thập kỷ tiếp theo, những “trang trại click” này bùng nổ về số lượng, đặc biệt tại châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Philippines.

Quy định của pháp luật thường không theo kịp. Trong khi một số nước chẳng hạn như Trung Quốc đã cấm hoạt động này, thì tại một số thị trường khác, chúng vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở những nơi có chi phí lao động thấp, giá điện thấp giúp việc vận hành hàng trăm máy cày view ảo đưới tối ưu hoá chi phí.

 

 

Ảnh: Jack Latham.

Nhiếp ảnh gia Latham đã đến thăm 5 “trang trại click” ở Việt Nam. Ngoại thành Hà Nội, những “trang trại click” này nằm ở các khu dân cư và khách sạn. Một số địa điểm xây dựng trang trại với hàng trăm smartphone được vận hành thủ công, trong khi số khác sử dụng phương thức mới là "box farming” - nơi có một số điện thoại, không có màn hình và pin, được nối dây với nhau và liên kết với giao diện máy tính.

Latham cho biết, một trong những “trang trại click” anh ghé thăm được điều hành bởi một gia đình, trong khi những trang trại khác trông giống các công ty công nghệ hơn. Hầu hết người lao động ở đây đều có tuổi từ 20 tới 30.

"Họ trông giống hệt các startup ở Thung lũng Silicon” anh nói. "Có một lượng lớn phần cứng, thậm chí là cả bức tường treo toàn điện thoại”. Một số bức ảnh của Latham mô tả những công nhân được giao nhiệm vụ tiến hành các lượt nhấp chuột.

"Chỉ cần một người để điều khiển số lượng lớn smartphone. Một người có thể rất nhanh chóng làm công việc của 10.000 người. Nó vừa cô đơn vừa bận rộn”, Latham nói.

Ảnh: Jack Latham.

Tại những trang trại này, mỗi người sẽ phụ trách một mạng xã hội cụ thể. Chẳng hạn, một người sẽ chịu trách nhiệm đăng bài và bình luận trên loạt tài khoản Facebook, hoặc lập các tài khoản YouTube - nơi họ sẽ đăng và tua lại các video để cày lượt xem.

Nhiếp ảnh gia cho biết TikTok là nền tảng cày view ảo phổ biến nhất tại các trang trại mà anh đến thăm.

Các “trang trại click” quảng cáo dịch vụ của họ trực tuyến với đơn giá chưa tới 232 đồng cho một lượt click, xem hoặc tương tác. Bất chấp bản chất gian lận, họ dường như coi đó chỉ là một công việc thuần tuý. “Có một sự ngầm hiểu rằng họ chỉ đang cung cấp dịch vụ. Không có gì mờ ám”, anh nói.

Nhiếp ảnh gia người Anh nói anh cố gắng ghi lại những “cỗ máy được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch”. Những “trang trại click” trên khắp thế giới cũng đang làm điều tương tự. Anh nhận thấy rằng thuật toán thường đề xuất các video ngày càng “cực đoan” sau mỗi lượt click.

“Nếu bạn chỉ xem một nội dung như vậy, thì trong thời gian ngắn, bạn sẽ trở nên cuồng tín đến bệnh hoạn. Việc lan truyền thông tin sai lệch là điều tồi tệ nhất. Nó xảy ra ngay bên trong bạn, không phải trên truyền thông và thật kinh khủng khi nó có thể chi phối trí óc của bạn”, anh nói.

Hy vọng nâng cao nhận thức cộng đồng về hiện tượng này và những nguy hiểm của nó, nhiếp ảnh gia đang lên kế hoạch trưng bày phiên bản “trang trại click” tại nhà riêng của anh. Trên Instagram, những bức ảnh của Latham thu hút vài chục tới vài trăm lượt thích. Nhưng khi anh giới thiệu cuốn sách “Beggar's Honey” nó đã có hơn 6.000 lượt thích. Nhiếp ảnh gia muốn mọi người nhận ra rằng những gì họ thấy trên mạng xã hội không phải là thực tế, và số lượt tương tác không phải là thước đó cho tính xác thực.