Hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng trên mạng xã hội sẽ được quản lý chặt chẽ hơn?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.
Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ; hoặc sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000.
Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.
Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải "có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm".
Tại dự thảo tờ trình, cơ quan soạn thảo cho rằng hoạt động quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều người lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội để truyền tải nội dung sai sự thật, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Hình thức quảng cáo thông qua những người có ảnh hưởng gây tác động lớn đến xã hội. "Nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng", cơ quan soạn thảo nêu.
Tuy nhiên, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó, người nổi tiếng chưa chịu chế tài hoặc ràng buộc khi chuyển tải quảng cáo không đúng sự thật. Vì vậy, dự thảo hướng đến yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về nội dung mình cung cấp.
Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa 13 thông qua tháng 6/2012, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi cấm; yêu cầu, điều kiện đối với nội dung, phương tiện cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài.
Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ 'vào danh sách đen'
Đã từng có thời gian nhiều nghệ sĩ Việt bị lên án vì quảng cáo sai sự thật, chia sẻ tin giả làm hoang mang dư luận. Tưởng chừng vấn đề sẽ được lắng xuống thì dăm bữa nửa tháng lại "trồi" lên một vụ khiến dư luận bức xúc.
Theo Báo Tuổi trẻ, tháng 9/2023, vụ nghệ sĩ Quyền Linh, Cát Tường quảng cáo "sữa tiểu đường" nhưng trên bao bì sản phẩm ghi rõ là "Sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt", không có thông tin nào là sữa.
Bên cạnh đó, hai nghệ sĩ còn góp phần đưa tin sai về tác dụng thực tế của sản phẩm, từ sữa "hỗ trợ" thành sữa "trị bệnh". Quyền Linh nói rằng thời điểm nhận quảng cáo cho loại sản phẩm này là lúc có nhiều đài truyền hình đưa tin và thấy từ "viện hàn lâm chuyển giao công nghệ" nên cũng tin tưởng.
Còn về Cát Tường, cô thừa nhận lỗi sai do nói chưa đúng những từ chuyên môn cho phép theo quy định của Luật Quảng cáo, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng vì tin vào nghệ sĩ nổi tiếng. Cát Tường cam kết không mắc sai phạm tương tự. Đây không phải lần đầu cô bị chỉ trích vì lý do nêu trên.
Nghệ sĩ là người có tầm ảnh hưởng dựa vào mức độ nổi tiếng. Chính vì vậy, mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ ít nhiều tác động và góp phần định hướng tới khán giả, đặc biệt là người trẻ. Chính vì vậy, việc đưa ra những thông tin sai lệch rất nguy hiểm.
Trước Quyền Linh và Cát Tường, Hồng Vân từng lên tiếng xin lỗi về việc đăng tải video thổi phồng công dụng một loại thực phẩm chức năng, cô nói nó có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố...
Trả lời truyền thông liên quan đến nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, ông Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông - cho biết đơn vị thường có các đợt rà soát mạng xã hội, xem các tài khoản nào đưa tin sai sự thật, trong đó có việc nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng.
"Bộ Thông tin Truyền thông cũng phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng hai danh sách - trắng và đen. Trong đó, danh sách đen (black list) gồm những người sai phạm, cơ quan quản lý không khuyến khích các nhà quảng cáo hợp tác, ủng hộ. Đó là một trong những cách để giúp môi trường mạng ngày càng trong sạch", ông Hòa chia sẻ trên Báo VnExpress.
Theo ông Hòa, quy chế xử lý các tài khoản vi phạm thông tin trên mạng xã hội dự kiến hoàn thiện cuối năm nay. Sở cũng đề xuất Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chặn các tài khoản vi phạm, không cho xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Hành vi quảng cáo sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm theo Luật quảng cáo. Bởi vậy người thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian dối thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay có hai loại chế tài được áp dụng đối với hành vi quảng cáo gian dối: Đó là chế tài hành chính được quy định tại Nghị định số 38 năm 2021 của Chính phủ và chế tài hình sự được quy định tại Điều 197 của Bộ luật hình sự năm 2005. Với chế tài hành chính thì người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Còn trong trường hợp người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối đã bị phạt hành chính rồi mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối với chế tài là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Trong trường hợp áp dụng hình phạt chính thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.