Bị kẻ xấu mạo danh đi vay vốn: Lỗi tại ngân hàng lỏng lẻo hay khách hàng chủ quan?

15:16 | 28/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện nay có không ít đối tượng xấu ăn cắp giấy tờ hoặc thông tin của người khác để đem đi vay tiền ngân hàng, công ty tín dụng. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm: ngân hàng hay nạn nhân?
Gần đây, vấn nạn bị giả danh đi vay nợ ngân hàng, công ty tài chính ngày càng gia tăng với phương thức lừa đảo tinh vi và đa dạng hơn. Sau một thời gian "rộ" lên kiểu mạo danh nhân viên ngân hàng lừa người ký hồ sơ vay vốn, hiện nay nhiều người lại phản ánh cách thức lừa đảo mới là mạo danh khách hàng đi vay.

Mới đây, một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội bỗng nhiên phát hiện có khoản nợ 53 triệu đồng với kỳ hạn 3 năm tại Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) trong khi người này chưa từng làm hồ sơ hay giao dịch tại FE Credit. 

Sau khi khiếu nại, FE Credit xác minh và cho biết vị này đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo hồ sơ rồi đăng ký vay tiền qua ứng dụng vay nhanh $nap của FE Credit. Đối tượng đã làm giả chứng minh nhân dân để mạo danh nạn nhân, qua mặt được hệ thống kiểm duyệt tự động. FE Credit khẳng định khách hàng không phải trả nợ và thông tin tín dụng của khách hàng tại Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC) sẽ được điều chỉnh ngay trong tháng này.
 
Bị kẻ xấu mạo danh đi vay vốn: Lỗi tại ngân hàng lỏng lẻo hay khách hàng chủ quan? - ảnh 1
Nhiều người bị lừa đảo nhưng phải đợi đến ngay bị đòi khoản nợ mới biết mình...mang nợ
 
Các trường hợp bị mạo danh đi vay tiền không phải là hiếm. Hồi cuối tháng 5, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội vừa bắt được một ổ nhóm làm, sử dụng CMND và sổ hộ khẩu giả để làm thủ tục mở thẻ tín dụng, vay tín chấp tại các ngân hàng rồi rút tiền, chiếm đoạt. 

Các đối tượng khi bị bắt đã khai nhận đã lợi dụng kẽ hở trong quy trình vay tiền của các ngân hàng. Vì chỉ tiêu, một số nhân viên làm tín dụng đã bỏ qua một số quy định về công tác thẩm tra tài sản mà duyệt hồ sơ. Nhưng theo ông Ngô Diên Hy - Tổng giám đốc công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) trả lời báo VnExpress, cũng có trường hợp do thủ đoạn làm giả giấy tờ của thủ phạm quá tinh vi nên các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cũng bị lừa.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có những trường hợp lừa đảo thành công là do sơ suất đến từ người bị lừa. Ví dụ như đối tượng mạo danh chính là người quen của nạn nhân. Nạn nhân từng đưa giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân cho đối tượng và bị lợi dụng đem đi làm hồ sơ vay nợ. 
 
Tuy nhiên, câu hỏi cũng đặt ra là tại sao ngân hàng hoặc công ty tài chính lại chấp nhận duyệt cho vay khi chủ nhân chứng minh nhân dân, giấy tờ không phải người trực tiếp đến làm thủ tục, đồng thời cũng không có chữ ký? Thêm một trường hợp nữa cũng phổ biến bị phản ánh nhiều là nhân viên ngân hàng gian dối lập khống các hồ sơ vay vốn. 
 
Đại diện của FE Credit cho biết trong trường hợp khách hàng vô tình hoặc cố ý để lộ thông tin dẫn đến việc làm tăng dư nợ, ví dụ như đưa thẻ tín dụng hay cung cấp mã OTP cho kẻ mạo danh, khách hàng vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm với khoản nợ. Khi đó, nạn nhân không chỉ phải chịu mất tiền oan mà còn gặp khó khăn về sau nếu có nhu cầu vay vốn thực sự vì đã có hồ sơ "xấu". Các ngân hàng và tổ chức tín dụng cho vay từ trước đến nay vẫn thường xuyên đưa ra lời cảnh báo với khách hàng phải tự bảo vệ bản thân bằng cách không cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân, mã OTP cho người khác. 
 
Bị kẻ xấu mạo danh đi vay vốn: Lỗi tại ngân hàng lỏng lẻo hay khách hàng chủ quan? - ảnh 2
Nếu do lỗi khách hàng sơ suất làm lộ thông tin thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm với khoản nợ 
 
Cũng có trường hợp, đối tượng không nhất định phải cầm giấy tờ của nạn nhân ra quầy ngân hàng hoặc công ty tài chính mới có thể thực hiện hành vi xấu. Ví dụ như vay tiền qua ứng dụng, chỉ cần chụp ảnh 2 mặt chứng minh thư là có thể được duyệt cho vay. Đây là một lỗ hổng của ứng dụng số bên cạnh sự tiện lợi mà nó mang lại.
 
Hiện nay, các ngân hàng có xu hướng sẽ sử dụng phương thức định danh điện tử (eKYC) để cho phép khách hàng mở tài khoản, giao dịch, trong đó có bao gồm vay vốn nhanh chóng qua thiết bị điện tử mà vẫn đảm bảo an toàn. eKYC được đánh giá là giảm tải thủ tục và công sức cho cả bên ngân hàng lẫn khách hàng, mà lại còn an toàn hơn cách phải ra quầy truyền thống. Ví dụ, hệ thống điện tử có thể "quét" phát hiện trường hợp 1 khách hàng nhưng có nhiều hồ sơ khác nhau, trùng lặp hồ sơ hoặc thông tin không đầy đủ. Có không ít tình huống con người không phát hiện ra được nhưng công nghệ có thể.  
 
Kim Chi