Bị kiện phá giá, thay đổi thượng tầng, “vua tôm” Minh Phú tái cơ cấu hoạt động

11:41 | 12/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) vừa công bố nghị quyết thông qua việc chuyển đổi loại hình kinh doanh của 4 công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) sau một tháng thay tướng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang chuyển đổi thành Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú Hậu Giang; Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Minh Phú sẽ đổi thành Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Minh Phú;

Công ty Cổ phần Cảng Minh Phú Hậu Giang chuyển thành Công ty TNHH Cảng Minh Phú Hậu Giang và Công ty Cổ phần Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú sau khi chuyển đổi sẽ thành Công ty TNHH Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú.

Nghị quyết ban hành ngày 9/11 và cũng có hiệu lực cùng ngày.
 
Bị kiện phá giá, thay đổi thượng tầng, “vua tôm” Minh Phú tái cơ cấu hoạt động - ảnh 1
Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang chuyển đổi thành Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú Hậu Giang

Đồng thời, bà Chu Thị Bình chính thức thay chồng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) từ ngày 1/8 và đến nay, thay đổi tiếp theo của MPC là chuyển đổi loại hình hoạt động của các công ty con, liên doanh, liên kết.

Chuyển đổi Công ty cổ phần thành Công ty TNHH là hình thức tái cơ cấu lại doanh nghiệp thông qua hoạt động chuyển đổi loại hình hoạt động công ty.

Trước đó, theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty quy định Chủ tịch HĐQT không kiêm chức danh Tổng giám đốc, vai trò Chủ tịch của ông Lê Văn Quang đã được nhường cho bà Chu Thị Bình từ ngày 1/8, và ông Quang chỉ còn đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của Minh Phú.

Tại MPC, bà Bình là cổ đông lớn nhất sở hữu 35 triệu cổ phiếu, tương đương 17,62% vốn điều lệ Minh Phú. Ngoài ra, bà còn đang giữ chức Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thuỷ sản Minh Quý.

Đứng thứ hai là ông Lê Văn Quang nắm giữ hơn 32 triệu cổ phiếu, tương đương 16,12% vốn điều lệ Minh Phú. Bên cạnh chức Tổng giám đốc của Tập đoàn, ông Quang còn đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH chế biến thủy sản Minh Phát, Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú – Kiên Giang và Công ty TNHH sản xuất giống thủy sản Minh Phú.

Bên cạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp, báo cáo mới đây của Chứng khoán VDSC cho rằng Minh Phú có thể sẽ phải tái cơ cấu các thị trường xuất khẩu nhằm đảm bảo tăng trưởng doanh số.
 
Bị kiện phá giá, thay đổi thượng tầng, “vua tôm” Minh Phú tái cơ cấu hoạt động - ảnh 2
Chuyển đổi Công ty cổ phần thành Công ty TNHH là hình thức tái cơ cấu lại doanh nghiệp thông qua hoạt động chuyển đổi loại hình hoạt động Minh Phú

Bởi theo dõi tỷ trọng doanh thu theo các vùng địa lí của công ty, VDSC nhận thấy dấu hiệu của việc giảm sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ khi tỷ trọng khu vực Bắc Mỹ đã giảm từ 53% năm 2019 xuống 40% trong nửa đầu năm nay.

Đồng thời, VDSC cũng không loại trừ khả năng tiếp tục chậm tiến độ triển khai công nghệ nuôi mới tại các trại nuôi tôm của công ty, gián tiếp ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trong thời gian tới.

Trên thực tế, việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn và việc quản lý bị ràng buộc chặt chẽ bởi các qui định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.

Trong khi đó, số lượng thành viên công ty trách nhiệm không nhiều và các thành viên thường là người quen biết nên việc quản lí, điều hành công ty không quá phức tạp; cùng với chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
 
Bị kiện phá giá, thay đổi thượng tầng, “vua tôm” Minh Phú tái cơ cấu hoạt động - ảnh 3Sản phẩm tôm đông lạnh của Minh Phú. Ảnh: Kinh tế & Tiêu dùng

Do đó, đây có thể là nguyên nhân khiến Minh Phú chuyển đổi 4 công ty cổ phần còn lại trong tổng số 16 công ty con, liên doanh, liên kết của mình thành công ty TNHH sau hơn một tháng chính thức thay "tướng".

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của MPC cho biết doanh thu thuần trong kì giảm 16% về còn 4.402 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 3% so với cùng kì, đạt 243 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, MPC ghi nhận doanh thu thuần là 9.982 tỷ đồng giảm 22% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Đáng chú ý, chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng đồng loạt giảm. Trong khi, doanh thu hoạt động tài chính tăng 69%, đạt 159 tỷ đồng với 56% đến từ lãi tiền gửi và 42% là lãi chênh lệch tỷ giá. Theo đó, MPC báo lãi ròng đạt hơn 475 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kì.

Trong năm 2020, MPC dự kiến mang về 15.206 tỷ đồng doanh thu và 915 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, kết thúc 3 quý đầu năm, MPC đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020.
 

Thủy sản Minh Phú bị áp thuế 10% vì bị Mỹ điều tra lẩn tránh thuế với tôm. Nguồn: Truyền hình Cần Thơ
 
Hải Yến