Bí quyết ứng phó với khủng hoảng của các tập đoàn công nghệ lớn
Theo kết quả kinh doanh công bố hàng quý của nhóm công nghệ này, bất chấp khủng hoảng kinh tế đang làm thế giới chao đảo, Microsoft, Google, Apple hoặc Amazon vẫn hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ là dữ liệu đám mây (cloud), quảng cáo trên công cụ tìm kiếm hoặc bán iPhone. Microsoft thậm chí còn đi xa hơn nữa khi táo bạo dự đoán mức tăng trưởng hai con số cho năm tài chính hiện tại.
Bí quyết đảm bảo sự vững vàng của các tập đoàn công nghệ lớn, được gọi tắt là GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft), trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính là sự đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.
Dù thương mại điện tử gặp khó khăn, Amazon vẫn chứng kiến lượng đăng ký dịch vụ Prime (dịch vụ ưu tiên) tăng 10%, hoạt động quảng cáo tăng 18% và cuối cùng là doanh thu đám mây AWS là 19,5 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái. Tổng cộng, tập đoàn này đã tăng trưởng 7%, đạt 121 tỷ USD.
Hoạt động kinh doanh của Microsoft bị chững lại trong việc bán máy tính cá nhân PC và máy chơi game. Bù lại hãng nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng từ các công ty về dung lượng đám mây và xử lý dữ liệu. Tăng trưởng quảng cáo trên YouTube giảm mạnh xuống 5% so với 84% của năm trước. Nhưng tập đoàn này lại dựa vào sức mạnh của công cụ tìm kiếm để tăng doanh thu.
Doanh số máy tính MacBook giảm 10% và các thiết bị kết nối của Apple giảm 8%. Bù lại, thương hiệu "quả táo khuyết" lại triển khai các dịch vụ khác (âm nhạc, dữ liệu đám mây, chăm sóc sức khỏe, v.v.) và thu nhập từ các thuê bao này đã đạt mức cao kỷ lục. Doanh thu hàng quý của Apple là 83 tỷ USD, tăng hơn 2% so với dự kiến.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, tuy không bị “nhấn chìm” nhưng các tập đoàn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Cụ thể là khó khăn về kinh tế khiến cả người tiêu dùng lẫn nhà quảng cáo đều cân nhắc thận trọng hơn trong chi tiêu, và đồng USD tăng mạnh làm giảm doanh thu quốc tế. Bên cạnh đó, sau một thời gian bùng nổ của xu hướng sử dụng kỹ thuật số trong đại dịch COVID-19, đời sống đã trở lại bình thường khiến thị trường trực tuyến ít sôi động hơn.
Bất kỳ ai được hưởng lợi từ sự bùng nổ thương mại điện tử trong đại dịch COVID-19 hiện đều phải chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu sau giai đoạn này. Cụ thể là doanh số bán hàng trực tuyến của Amazon đã giảm 5%, xuống còn 51 tỷ USD trong quý II/2022. Do đó, hãng này đã dừng toàn bộ chương trình mở thêm trung tâm hậu cần và cho thuê lại kho hàng vốn đã trở nên quá thừa thãi.
Hãng cũng giảm bớt việc tuyển dụng và không gia hạn một số hợp đồng nhất định. Thay vì tuyển dụng ồ ạt trong giai đoạn đại dịch, chỉ trong vòng một năm, Amazon đã cắt giảm 99.000 vị trí việc làm trên tổng số 1,52 triệu. Giám đốc tài chính Brian Olsavsky giải thích: "Sau đại dịch, chúng tôi đã chuyển từ trạng thái thiếu nhân sự sang dư thừa". Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ sự vui mừng vì "bất chấp lạm phát đang làm tăng giá nhiên liệu, năng lượng và vận tải, chúng tôi vẫn kiểm soát được các chi phí, đặc biệt bằng cách cải tiến năng suất của mạng lưới các trung tâm phân phối và hậu cần."
Không may mắn như các anh lớn trong làng công nghệ, Meta và một số doanh nghiệp khác gặp nhiều khó khăn hoạt động kinh doanh. Hầu như toàn bộ doanh thu của Meta đến từ các hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Việc sụt giảm đáng kể nhu cầu dịch vụ này trên mạng khiến Meta đang phải trải qua giai đoạn lận đận. Lần đầu tiên trong lịch sử, Meta công bố sụt giảm doanh thu (-1%), trong đó rõ rệt nhất là ở Bắc Mỹ (-4%) và châu Âu (-12%). Snapchat, Twitter và Shopify cũng bị ảnh hưởng trong quý này do nguồn thu nhập của họ thiếu đa dạng.
Để khắc phục khó khăn, Meta đang tăng cường các hoạt động công nghệ ảo chuyên dụng của mình. Nhưng cho đến nay, doanh số bán kính thực tế ảo của hãng chỉ mang lại một phần nhỏ trong doanh thu 28,8 tỷ USD. Nhóm vừa ra quyết định tăng giá 100 USD cho một chiếc kính thực tế ảo dòng Meta Quest 2, vốn được công chúng biết đến với mức giá rất phải chăng.
Trong thời gian tới, ngay cả các GAFAM cũng không dám chắc chắn rằng họ sẽ có thể tiếp tục tồn tại một cách bền bỉ như trước. Do đó, bản thân các tập đoàn này cũng đang chủ động lên các kế hoạch đối phó với tình hình khó khăn sắp tới, trong đó việc đầu tiên được tính đến là hạn chế tuyển dụng.
Không đến mức phải lên kế hoạch cắt giảm nhân sự, nhưng các tập đoàn công nghệ cũng không xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân viên mới trong những tháng tới và tập trung vào các phân khúc tăng trưởng cao. Việc đầu tư cũng theo hướng này. Cụ thể là Amazon có kế hoạch chuyển hướng đến các hoạt động đám mây nhiều hơn là thương mại điện tử.
Tại Meta, nhân viên làm việc trong các dự án ít quan trọng hơn sẽ được phân công làm cho các dịch vụ khác. Ông Sundar Pichai, Tổng giám đốc Google, cũng cho biết : "Bây giờ là lúc chúng tôi cần lùi lại một bước để bảo đảm rằng chúng tôi đang đi đúng hướng".