Nhân sự công nghệ Hoa Kỳ lo lắng giữa làn sóng sa thải: Thị trường lao động có lạc quan như FED kỳ vọng?
Nỗi lo sợ đang bao trùm thị trường lao động Hoa Kỳ trước làn sóng đóng băng tuyển dụng và sa thải hàng loạt từ các công ty mới nổi cũng như những gã khổng lồ công nghệ, mới nhất là Robin Hood và Oracle.
Theo dữ liệu của Crunchbase, hơn 32.000 người đã bị sa thải khỏi lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ vào năm 2022.
Ông Rick Chen, người đứng đầu bộ phận PR của Blind cho biết, niềm tin của người lao động vào thị trường việc làm đã thay đổi 180 độ so với vài tháng trước. Trở lại tháng 3, khoảng 80% nhân viên công nghệ tin tưởng vào thị trường việc làm và đang cân nhắc tìm kiếm một công việc mới.
Tin tức sa thải đang khiến nhân viên công nghệ trong một số ngành cảm thấy bất an, đặc biệt là nhân sự trong lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản và các doanh nghiệp gắn chặt với thị trường chứng khoán, vốn đã chứng kiến sự bùng nổ trong quá trình phục hồi của Covid-19 vào năm 2021 nhưng lại có sự biến động lớn trong nền kinh tế ngày nay.
Những lo lắng về công việc của người lao động đã tăng vọt tại các công ty thông báo sa thải nhân viên trong những tháng gần đây. Trong cuộc khảo sát của Blind, tỷ lệ cao nhân viên tại nhiều công ty cảm thấy kém tự tin về sự ổn định công việc, trong đó có: Compass (95%), Twitter (91%), Robinhood (90%), Instacart (90%) và Coinbase (83%).
Ông Rick Chen nói: “Chủ đề đóng băng tuyển dụng và làn sóng sa thải tăng gấp đôi trong các cuộc thảo luận trong quý đầu tiên của năm 2022 so với 2021”, trong khi đó, các cuộc thảo luận về “suy thoái” đã tăng gấp 15 lần.
Ở một góc nhìn khác, một số các nhà kinh tế cho rằng thị trường lao động vẫn còn nóng. Việc tuyển dụng và nghỉ việc vẫn ở gần mức cao kỷ lục, trong khi mức sa thải trong tháng 6 chỉ dưới 1% lực lượng lao động.
Ông Chen nhận định, tình hình khiến người lao động có thể không có nhiều khả năng thương lượng như hồi đầu năm 2022. Tuy nhiên, nhân viên công nghệ vẫn đủ khả năng tìm kiếm một công việc mới nếu bị sa thải.
Chen nói: “Chúng tôi nhận thấy các công ty vẫn đang tuyển dụng và những người mà chúng tôi đang tuyển dụng sẽ được bổ sung trong vài tuần nữa".
Theo một cuộc khảo sát của CNBC, tính đến tháng 6, 64% nhà lãnh đạo công nghệ cảm thấy ngày càng khó hơn để tìm được nhân sự lành nghề cho các vị trí công việc đang mở của họ.
Alister Shirazi, 34 tuổi, giám đốc một dự án kỹ thuật tại Apple, cho hay mặc dù hợp đồng sẽ hết hạn vào tháng 11, nhưng anh không hề lo lắng về khả năng có tiếp tục làm việc cho gã khổng lồ công nghệ hay phải sắp xếp một công việc mới sau đó. Đầu tiên, anh nhận thấy quản lý của mình vẫn liên tục trăn trở về khó khăn trong việc giữ chân và tuyển dụng nhân viên phù hợp. Anh cũng coi những đợt sa thải gần đây chỉ là tạm thời: “Chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu bùng nổ tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ,” Shirazi nói.
Anh Shirazi kỳ vọng các công ty đã có tiếng tăm sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh nhân tài khi người lao động có xu hướng sẽ giành chiến thắng bằng cách thu hút nhân viên công nghệ rời khỏi các công ty khởi nghiệp rủi ro hơn.
Ông Chen khuyên nhân sự nên cân nhắc kỹ về những mong muốn trong công việc. “Trong giai đoạn bình thường, nhân sự thường rời đi từ 12 đến 18 tháng một lần và tìm kiếm những vị trí có mức lương cao hơn”. Đồng thời, ông nói rằng: “Bây giờ là thời điểm tốt để xem xét những yếu tố quan trọng nhất đối với bạn, đó có thể là cân bằng giữa công việc và cuộc sống, công việc từ xa, lịch trình làm việc linh hoạt hay cơ hội để nâng cao kỹ năng hoặc nghề nghiệp.”
Ngoài ra, chuyên gia của Blind cũng khuyên người lao động đặt các câu hỏi để đánh giá mức độ ổn định của một công ty tiềm năng, cảnh giác với mô tả trong lời mời tuyển dụng.
Bà Ginny Cheng, một chuyên gia của Career Contessa khuyến nghị người lao động cũng nên tìm hiểu các biện pháp công ty thực hiện để hỗ trợ và phát triển nhân tài.
Trái ngược với những lo lắng trên thị trường, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), ông Jerome Powell lâu nay vẫn khẳng định thị trường lao động Mỹ đang ở trạng thái vô cùng mạnh mẽ và tích cực, đây được xem là một trong những chỉ báo khiến FED tin rằng nền kinh tế không rơi vào suy thoái như một số dự báo gần đây. Một quan chức khác ngân hàng trung ương khác là Thống đốc Christopher Waller, Thành viên ban điều hành FED cũng đồng quan điểm này khi cho rằng Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái nhờ thị trường lao động vững mạnh với tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong 7 thập kỷ.