Bí thư Hà Nội: Cho phép người dân dùng giấy đi đường cũ khi ra đường

22:25 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi có hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Theo VNEXPRESS, trao đổi với báo chí ngày 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Ban thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp, kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn.

"Tất cả phải nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân", ông nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu chống dịch và để tầm soát y tế. Phương án này vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở "vùng đỏ"; vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở "vùng cam" và "vùng xanh".

Ảnh minh họa

Trước mắt, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới (có QR Code) kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư. Việc này sẽ được điều chỉnh trên cơ sở hiệu quả thực tiễn, sau đó nhập hai loại giấy thành một. Thành phố chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành.

Người dân có giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Như vậy từ 6h ngày 8/9, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc sử dụng mẫu giấy đi đường cả mới và cũ; người dân chưa có giấy đi đường mẫu mới thì tiếp tục sử dụng giấy trước đây (đơn vị tự cấp) khi tham gia giao thông.

Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng tuần tra lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường. Các địa phương lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. "Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc", ông Dũng nói.

Tăng cường chốt để kiểm soát người và phương tiện

Từ ngày 6/9/2021, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách lần thứ 4 với phương châm siết chặt hơn, quyết liệt hơn, phương án giãn cách phòng, chống dịch theo ba vùng ở 3 cấp độ khác nhau, đảm bảo khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Công an Thành phố tiếp tục duy trì và tăng cường các lực lượng cắm chốt, các tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát gắt gao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp người dân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Các chốt kiểm soát sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy đi đường của người dân.

Tiếp tục kiểm soát tại các chốt ra vào Thành phố, đồng thời lập thêm 39 chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào vùng 1 theo Giấy đi đường mới.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố: để có thời gian chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp Giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nên trong 2 ngày 06/9/2021 và 07/9/2021, các lực lượng chức năng chỉ kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền những người ra đường thuộc nhóm được phép nhưng chưa có Giấy đi đường theo quy định mới.

Cá nhân và người điều khiển phương tiện tiếp tục được sử dụng Giấy đi đường đã được cấp để phục vụ công tác kiểm tra khi có yêu cầu.

Bắt đầu từ 6h00’ ngày 08/9/2021, các chốt kiểm soát của Thành phố sẽ kiểm soát người và phương tiện ra, vào Thành phố, ra vào vùng 1 theo Giấy đi đường mới.

Công an thành phố Hà Nội trân trọng thông báo để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân biết , mong được chia sẻ, phối hợp, đồng hành để lực lượng Công an Thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Áp dụng phương pháp quét mã QR

Vào ngày 3/9, Công an TP Hà Nội đã phát đi văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã... về việc chuẩn bị các điều kiện cần, sẵn sàng phối hợp với Công an TP trong triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện.

Công an TP Hà Nội đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho người đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR Code trên địa bàn TP (gọi tắt là phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện).

Công an kiểm tra phương tiện giao thông bằng phương pháp quét mã QR Code tại chốt kiểm soát (Ảnh TTXVN)

Công an TP đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung nguồn lực, chủ động chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất để sử dụng phần mềm này. Theo dự kiến, quy trình tiếp nhận, xét duyệt và cấp giấy đi đường có nhận diện với tổ chức, doanh nghiệp gồm các bước:

Các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực. Cán bộ xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin được thẩm định từ cảnh sát khu vực và nhập đăng ký của tổ chức, doanh nghiệp. Hệ thống sẽ gửi mail xác nhận trả về tổ chức, doanh nghiệp.

Tổ chức, doanh nghiệp gửi mail danh sách cán bộ, công nhân viên và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định. Cán bộ xã, phường, thị trấn duyệt hoặc từ chối duyệt danh sách (trường hợp không được duyệt, hệ thống sẽ gửi mail thông báo lại cho tổ chức, doanh nghiệp); sau đó cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận.

Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho tổ chức, doanh nghiệp cấp, phát cho cán bộ, công nhân viên.

Với cá nhân: Cá nhân phải đăng ký với cảnh sát khu vực của xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Cảnh sát khu vực tiếp nhận, thẩm định lại thông tin và gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.

Cán bộ xã, phường, thị trấn sẽ gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho cá nhân theo địa bàn quản lý.

Về việc cấp thẻ đi chợ, siêu thị, cảnh sát khu vực sẽ lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn xã, phường, thị trấn quản lý; cảnh sát khu vực gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.

Ngoài ra, cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại thẻ đi chợ, siêu thị được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại thẻ đi chợ, siêu thị đã được duyệt, đóng dấu cho đại diện hộ gia đình theo địa bàn quản lý.

Trước đó, ngày 29/8, UBND TP Hà Nội giao Công an TP nghiên cứu, quy định rõ đối với từng loại hình (doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị) được cấp giấy đi đường.