Thủ tướng: Bảo đảm lương thực, thực phẩm đến được với người dân ‘vùng đỏ’
Trong công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Văn phòng Chính phủ nêu, trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện 1099/CĐ-TTg, nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân tiếp tục tăng cao, hệ thống cung cấp đang quá tải.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan kịp thời nắm tình hình, khắc phục các hạn chế, bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân ở các khu vực thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.
Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Văn phòng Chính phủ cho biết, một số nơi việc phân phối lương thực, thực phẩm đến người dân đang quá tải.
Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền địa phương liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp để bảo đảm lương thực, thực phẩm đến được với người dân, đặc biệt tại “vùng đỏ".
Trong ngày 6/9, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng “đi chợ hộ”.
Văn phòng Chính phủ cho biết, việc “đi chợ hộ” đã được triển khai trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng hủy đơn hàng “đi chợ hộ”, gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc.
Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm hành vi trên, để bộ đội, tình nguyện viên yên tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân.
Doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho Hà Nội
Thực tế cho thấy, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp bán lẻ đã tích cực chuẩn bị hàng hóa. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định, hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường.
Báo Hà Nội Mới thông tin từ Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc - Khúc Tiến Hà cho biết, hệ thống đã chuẩn bị các kịch bản bảo đảm chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Hiện, VinMart có 4 kho hàng ở Đông Anh, Thanh Trì và một kho bổ trợ ở Bắc Ninh. Các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn.
Tương tự, hệ thống siêu thị Big C tăng 30-50% lượng thực phẩm khô dự trữ so với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao, hàng tươi sống. Big C đã làm việc cùng các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng 200-300% so với thông thường.
Tuy nhiên, tham khảo ý kiến đại diện một số cửa hàng tiện ích nhỏ trên địa bàn phân vùng 1 được biết, ngay khi có thông tin về việc thay đổi giấy đi đường, các đơn vị đã theo dõi sát và đưa ra các phương án về vận hành, sắp xếp nhân viên, thông báo và hỗ trợ các nhà cung cấp (chủ yếu là nông dân) thủ tục quy định về giấy đi đường, tăng lượng tồn kho các mặt hàng, chuẩn bị các phương án tăng số lượng chuyến và người giao hàng. Song việc xác định giấy tờ và quy định cấp phép của từng nhóm nhân viên làm việc tại cửa hàng, như: Nhân viên phục vụ tại cửa hàng, nhân viên giao hàng, nhân viên chuyển hàng nội bộ…, cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có từ 5-7% nhà cung cấp đã từ chối giao hàng ngay và đợi hướng dẫn cũng như xong thủ tục “giấy đi đường”.
Đánh giá về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị tạm đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện.
Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố. Các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Hiện, đã có gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối đa dạng các hình thức bán hàng (bán hàng truyền thống, bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng không người bán, đăng ký phục vụ 24/24/7....) để phục vụ nhân dân.
Sở Công Thương cũng đã công khai 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online để người dân tham gia mua sắm trực tuyến.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ. Các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng cho phép xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường qua các chốt kiểm soát và các phân vùng, bảo đảm không đứt gãy nguồn cung. Các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an thành phố cấp mã nhận diện (đối với xe ô tô) và cấp giấy đi đường cho phương tiện xe máy.
Về phía các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến hết ngày 21-9, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phối hợp với các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… tổ chức những điểm bán hàng lưu động, bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0.
Vì vậy, mặc dù đang phải đối mặt với một số khó khăn, song trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa cũng bảo đảm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng. “Do đó, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, không tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.