"Big 4" ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất, tín hiệu tích cực đã tới?
Ngày 16/3, trên biểu lãi suất huy động của Vietcombank, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở mức 4,9%/năm; 3 tháng là 5,4%/năm; 6 tháng và 9 tháng là 5,8%/năm. Từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất ở mức 7,2%/năm. Với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm, 24 tháng 7,2%/năm.
Hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, Agribank áp dụng lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 5,4%/năm cho kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng; 5,8%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 11 tháng; 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại VietinBank, tiền gửi tại quầy có lãi suất cao nhất là 7,2%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,9 - 5,4%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,8%/năm.
BIDV huy động tiền gửi tại quầy với mức lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 5,4%/năm cho kỳ hạn 3 và 5 tháng; 5,8%/năm kỳ hạn 6 tháng; 5,9%/năm kỳ hạn 9 tháng; 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tuy nhiên, lãi suất trên kênh tiền gửi trực tuyến của BIDV là 6% cho kỳ hạn dưới 6 tháng; 7,2%/năm áp dụng kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng; 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 và 13 tháng, 7,4%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Ghi nhận vào đầu tháng 1, lãi suất cao nhất trên kênh tiền gửi trực tuyến của BIDV lên đến 8,2%/năm.
Trong tuần trước, 4 ngân hàng này cũng đã đồng loạt giảm 0,1 - 0,2%/năm ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 6% xuống còn 5,8 – 5,9%/năm so với cuối tháng 2/2023; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến trên 36 tháng cũng được giảm từ 7,4% xuống còn 7,2%. Riêng kỳ hạn 12 tháng cả 4 ngân hàng này đều giữ nguyên ở mức 7,4%.
Việc giảm lãi suất huy động của nhóm “Big 4" ngân hàng nhằm hưởng ứng chủ trương của NHNN từ ngày 15/30 giảm từ 0,5% đến 1% đối với hàng loạt lãi suất điều hành.
Hạ lãi suất có thực sự là tín hiệu tích cực hoàn toàn cho nền kinh tế?
Trả lời phỏng vấn trong talkshow"Bí Mật Đồng Tiền" số 02 phát sóng ngày 15/3, Mr.X30 Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI cho biết, nhiều nhà đầu tư sẽ thấy thông tin NHNN giảm lãi suất là rất tốt cho thị trường tài chính, tuy nhiên, nếu nhìn 1 cách kỹ hơn, hầu hết các lãi suất chủ đạo không thay đổi. Ví dụ như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tiền gửi và lãi suất OMO (lãi suất NHNN đưa ra trong giao dịch bơm vốn cho các thành viên trên thị trường mở) vẫn được giữ nguyên. Như vậy, có thể hiểu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đã qua vùng đỉnh, sắp tới khả năng cao sẽ có đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn lần này.
Mặt khác, chia sẻ riêng trên Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, trên thực tế, việc cắt giảm lãi suất đã được công bố thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Chính sách này thể hiện sự chủ động của NHNN, quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của chính phủ về giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, các ngân hàng hiện nay với việc giảm lãi suất huy động chưa gắn với mục tiêu cuối cùng là giảm lãi suất cho vay. Do đó, Nhà nước cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa để giúp đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh hiện nay khi lãi suất đang còn quá cao.
Về vấn đề nhóm doanh nghiệp nào hưởng lợi trực tiếp từ đợt điều chỉnh này, ông Phong cho biết, hiện nay, NHNN chưa định vị rõ các lĩnh vực mà Ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung cho vay ngoài các lĩnh vực ưu tiên (bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Có thể nói, đơn vị hưởng lợi sẽ nằm trong diện được vay. Các ngành khác như bất động sản hay những doanh nghiệp không đạt yêu cầu cho vay sẽ không hấp thụ quá nhiều.
Nhìn chung, việc giữ nguyên hai loại lãi suất điều hành vốn có tác động cốt lõi lên chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng là một phần khiến nhiều ý kiến cho rằng đợt điều chỉnh lần này trước mắt chỉ mang yếu tố hỗ trợ về mặt tâm lý cho thị trường, còn mức độ tác động có sâu rộng hay không cần phải quan sát thêm.