Bình Dương dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2022 hơn 8%
Cụ thể, kinh tế tỉnh phục hồi qua các quý như GRDP quý I tăng 5,3%, quý II tăng 8,35%, quý III tăng 8,27% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng là tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, với đà phục hồi này, các ngành đưa ra cả năm 2022 Bình Dương có thể đạt tăng trường GRDP hơn 8%.
Các chỉ số khác đáng chú ý là tổng thu ngân sách ước đạt 48.500 tỷ đồng, đạt 81% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tỉnh đã thu hút 66.468 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của các nhà đầu tư trong nước và 2,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (đạt 145% kế hoạch, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021). Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt trên 27 tỷ USD, tăng 11,9%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 19 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021; duy trì thặng dư thương mại gần 8 tỷ USD.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho hay, tình hình đăng ký doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tiến trình mở cửa, phục hồi kinh tế tăng lên. Số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, vốn đăng ký tăng 4,9% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài vượt 43% kế hoạch năm.
Cùng với đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình xung đột chính trị trên thế giới nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Chuỗi cung ứng sản xuất vẫn đảm bảo, công nghiệp nội địa tăng, sức mua của người dân cao, thương mại dịch vụ ngày càng tăng...
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, những kết quả đạt được trong 9 tháng rất quan trọng, có ý nghĩa động viên, khích lệ, cổ vũ rất lớn để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022. Tỉnh ủy hoan nghênh, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong những tháng vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần được tập trung khắc phục. Đó là tiến độ lập quy hoạch tỉnh còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Một số dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở chậm được thanh tra, xử lý nên tình hình người dân tụ tập, khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp...
Theo đó về nhiệm vụ quý IV cuối năm, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu, từng cấp, từng ngành tập trung rà soát, đánh giá tình hình, đề ra giải pháp, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách phải tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhất là đơn vị tư vấn, nhóm chuyên gia để sản phẩm quy hoạch tỉnh đạt chất lượng cao nhất và hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Khẩn trương hoàn tất kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tại kỳ họp chuyên đề giữa tháng 10 tới" - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh.