Bất động sản công nghiệp Bình Dương là 'điểm sáng' hút vốn ngoại
Bình Dương phát triển 'thần tốc'
Bình Dương là địa phương phát triển bất động sản khu công nghiệp thuộc top đầu cả nước. Theo những quyết định quy hoạch mới, Bình Dương tiếp tục kỳ vọng thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp.
Ngày 25/3, tỉnh Bình Dương đã trao giấy phép đầu tư cho 4 dự án mới và tăng vốn đầu tư cho 2 dự án với tổng hơn 500 triệu USD. Trong đó, nổi bật là liên doanh giữa Becamex và Quỹ Đầu tư Warburg Pingcus (Mỹ) tăng vốn thêm 300 triệu USD để thực hiện các dự án bất động sản công nghiệp. Dịp này, Bình Dương đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn FPT và Sun Group trong các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển thương mại dịch vụ du lịch.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 3, Bình Dương đã thu hút được 437 triệu USD vốn FDI. Hiện Bình Dương đang đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI với 4.092 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 39,73 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn FDI của cả nước.
Thời gian qua, Bình Dương đang dịch chuyển phát triển công nghiệp về khu vực phía Bắc gồm Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng. Mới đây cùng lúc hai khu công nghiệp đều có quy mô 1.000 ha gồm VSIP 3 và Cây Trường đã được khởi công xây dựng để dọn ổ đón các “đại bàng” quốc tế.
Cùng với đà tăng trưởng FDI, giai đoạn này, Bình Dương tập trung nguồn lực cho các công trình giao thông có thể tạo đột phá. Có thể kể đến như nâng cấp quốc lộ 13 (8.350 tỷ đồng); xây dựng hầm chui ngã 5 Phước Kiến (1.147 tỷ đồng); nâng cấp các tuyến đại lộ Mỹ Phước -Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747B, ĐT 743, ĐT 741; đường tạo lực Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (4.893 tỷ đồng); cầu Bạch Đằng 2 (491 tỷ đồng); đường từ cầu vượt Sóng Thần đến Phạm Văn Đồng (khoảng 1.769 tỷ đồng); nút giao Sóng Thần (3.800 tỷ đồng); mở rộng đường An Bình (khoảng 1.700 tỷ đồng).
Đặc biệt, các dự án tầm quốc gia và khu vực đi qua địa bàn cũng được Bình Dương quyết liệt đầu tư, như đường Vành đai 3 TP HCM tổng mức đầu tư 18.923 tỷ đồng; Vành đai 4 (15.886 tỷ đồng); cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (35.515 tỷ đồng); đường Hồ Chí Minh nhánh N2 (3.482 tỷ đồng).
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương với hệ thống hạ tầng hiện đại, kết nối thông suốt đồng thời đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp kỹ thuật cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo.
Giá đất nền có dấu hiệu khởi sắc
Trong bối cảnh dự án đất nền, nhà liền thổ TP HCM hiện không còn nhiều, những vùng phụ cận như Bình Dương đang trở nên hấp dẫn vì còn nhiều dư địa tăng trưởng, cả ở phương diện giá trị sử dụng và đầu tư do hàng chục khu công nghiệp đang hoạt động nhộn nhịp.
Trong đó, các tập đoàn bất động sản quốc tế giữ vai trò quan trọng, kích thích niềm tin của khách hàng đối với thị trường. Chẳng hạn tại Bến Cát, trong bán kính 10 km đang có hàng chục khu công nghiệp lớn như VSIP 2 (1.700ha), VSIP 2 mở rộng (2.045ha), Mỹ Phước 1 (gần 500 ha), Mỹ Phước 2 (800 ha), Mỹ Phước 3 (700 ha).
Đó là chưa kể khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương 4.196 ha kề bên đang phát triển nhanh chóng bởi các tập đoàn quốc tế như Tokyu, AEON, Gamuda Land, CapitaLand, Mapletree, Gouco Land, S.P Setia, Sembcorp… kích hoạt làn sóng đầu tư mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.
Sự sôi động của thị trường Bình Dương không chỉ xuất phát từ nhu cầu của lượng cư dân lên đến 2,8 triệu người mà còn từ hàng trăm ngàn lao động chuyên gia, kỹ sư từ khắp nơi đổ về làm việc. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt dự án nhà ở đa dạng phân khúc đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Mức giá bán của các dự án khá đa dạng, như căn hộ 40-50 triệu đồng/m2; nhà liền thổ dao động 3-10 tỷ đồng/căn; đất nền các tại các đô thị hoặc liền kề khu công nghiệp là 4-5 tỷ đồng/nền…
Thu hút vốn đầu tư bất động sản tại Bình Dương tăng đột biến
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh này có 7 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 19,7 triệu USD, bằng 124% so với cùng kỳ năm 2022.
4 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,23 triệu USD; 13 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 326 triệu USD, bằng 423% so với cùng kỳ năm 2022.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn nhiều nhất, với 2 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần có tổng số vốn đầu tư 324 triệu USD, chiếm gần 90% tổng vốn đăng ký.
Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 20 triệu USD, chiếm 5,7% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực nông nghiêp, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, chiếm 2,7% tổng vốn đăng ký.
Đã có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương trong 2 tháng đầu năm, trong đó Hà Lan dẫn đầu với hơn 324 triệu USD, chiếm 90% tổng vốn đăng ký; Đài Loan (Trung Quốc) 13,6 triệu USD; Hồng Kông (Trung Quốc) 6,6 triệu USD, tiếp theo lần lượt là Mỹ, Singapore, Hàn Quốc...
Thành phố Dĩ An lên đô thị loại II
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 296/QĐ-TTg ngày 27/3/2023 công nhận thành phố Dĩ An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Sau khi được công nhận là đô thị loại II, thành phố Dĩ An đặt mục tiêu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025.
Được biết, Dĩ An được công nhận là đô thị loại III vào tháng 3/2017 và được công nhận là thành phố vào tháng 1/2020.
Dĩ An nằm ở khu vực trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với thành phố Thuận An, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Những năm qua, thành phố Dĩ An đã đạt được những thành tựu nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nền kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao.
Hiện tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện với 91 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã.