Bình Dương: Hơn 80% doanh nghiệp lạc quan với kết quả sản xuất quý 3

Chí Tưởng 17:04 | 07/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
84% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đưa ra báo cáo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và sẽ tốt hơn trong quý 3/2022.
 

Cục Thống kê tỉnh Bình Dương vừa thông tin đợt khảo sát mới nhất về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương với kết quả khá lạc quan.

Có 84% số doanh nghiệp đưa ra báo cáo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và sẽ tốt hơn trong quý 3/2022.

Cụ thể, có 48,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 35,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 15,9% dự báo khó khăn hơn.

Có tới 100% doanh nghiệp nhà nước đánh giá quý 3/2022 tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn quý 2/2022.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương có đến 87,4% số doanh nghiệp cho hay tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2022 ổn định và tốt hơn so với quý 2/2022; 12,6% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Về khối lượng sản xuất, có 43,6% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất quý 3/2022 cao hơn quý 2/2022; 40,7% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 15,7% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về số lượng đơn đặt hàng mới, có 38,9% số doanh nghiệp dự báo có số đơn đặt hàng quý 3/2021 cao hơn quý 2/2022; 45% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 5,2% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm; trong đó, đối với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới có 32,4% số doanh nghiệp nhận định quý 3/2022 tăng hơn so với quý 2/2022 và 52,8% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Dương Ngô Văn Mít cho hay thông qua kết quả khảo sát cho thấy đà phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu đã được khơi thông và cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương tự tin mở rộng sản xuất thông qua nhận đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong quý 3. Qua đó cho thấy kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng và phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu đang dối mặt với nhiều thách thức về giá cả tăng kéo theo nguyên liệu đầu vào tăng theo; thêm vào đó giá dịch vụ vận chuyển liên tục tăng chóng mặt.

Để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu các doanh nghiệp đang phải thích nghi với chính sách “thắt lưng buộc bụng” tập trung quản trị lại các khâu, cắt giảm các chi phí phát sinh từ hệ thống logistics đến nhân công, nhằm duy trì tính cạnh tranh để giành những đơn hàng xuất khẩu không bị gián đoạn.

Cụ thể, cuộc khảo sát mới nhất cho thấy về chi phí sản xuất, có 46,2% số doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm chính quý 3/2022 tăng so với quý 2/2022; hơn 48% số doanh nghiệp cho rằng, chi phí ổn định và chỉ có 5,7% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm.

Trong khi đó, theo báo cáo của ngành thuế, tính đến giữa tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 3.271 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động với tổng số lao động là 22.651 người lao động.

Các ngành, lĩnh vực các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất trong kỳ như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 800 doanh nghiệp thành lập mới sử dụng với hơn 10.396 lao động, so với cùng kỳ số doanh nghiệp mới tăng 10,8%. Đây là một tín hiệu tích cực góp phần gia tăng thêm các lĩnh vực mới và đơn hàng sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho hay kinh tế Bình Dương từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 ước tăng 5,3%, nhưng đến quý 2 tăng 8,35% và tính chung 6 tháng tăng 6,84%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,35%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 32 tỷ USD. Thu ngân sách ước đạt 34.800 tỷ đồng, đạt 58% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao...

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 60.723 tỷ đồng, tăng 9,6%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,5 tỷ USD, tăng 91% so và đứng đầu cả nước và hơn 38.395 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh.

Để thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các nhiệm vụ trọng tâm, ông Minh cho biết tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, hoàn thiện thủ tục lựa chọn tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Song song đó, tỉnh đã nghe và cho ý kiến định hướng phương án phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và quy hoạch phát triển chung đô thị, quy hoạch vùng cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Dù vậy theo ông Võ Văn Minh, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực, nhưng do thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến một số hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại địa phương. Tiến độ thực hiện một số công trình, dự án còn chậm, kéo dài, giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh sẽ tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, tiêm phủ vắc xin cho người dân trên địa bàn. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

“Tỉnh tập trung thu đúng, thu đủ, kịp thời khai thác các khoản thu còn dư địa vào ngân sách nhà nước để bổ sung cho đầu tư phát triển... Cùng với khó khăn của nhiều địa phương trong cả nước, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công và xem đây là một trong nhiệm vụ chính trị trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.