Bloomberg: Kinh tế Hoa Kỳ có thể 'hạ cánh nhẹ nhàng'

Phương Lê (theo Bloomberg) 17:31 | 15/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tờ Bloomberg nhận định, nhiều khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tránh được một cuộc suy thoái kinh tế sâu và nặng nề khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang đấu tranh để hạ nhiệt lạm phát.

Khi nói đến nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay, viễn cảnh “hạ cánh nhẹ nhàng" vẫn được cho là hiếm thấy như sao chổi Halley. Trong quá khứ, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ không có thành tích tốt trong việc kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất mà không gây ra một cuộc suy thoái sâu và nghiêm trọng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại cho thấy ngân hàng có vẻ sẽ giải quyết được nhiệm vụ khó khăn này.

Đây là khoảng thời gian rất khó khăn với nền kinh tế. Hoạt động kinh tế đo lường bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng những gì đang diễn ra hông giống một cuộc suy thoái. 

Tính đến tháng 6, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 2,74 triệu việc làm trong năm nay. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II cho thấy nhiều công ty như Starbucks và Uber định giá liên tục tăng. Du lịch bùng nổ khiến máy bay hoàn toàn kín chỗ và sân bay chật kín. 

Hiện tượng này là điều kỳ lạ nếu nền kinh tế đang trong một cuộc suy thoái. Nhìn về các cuộc khủng hoảng trước, tỷ lệ thất nghiệp năm 1990 và 1991 chủ yếu chỉ giới hạn trong lĩnh vực bất động sản thương mại và ngân hàng. Phải đến năm 1995, tỷ lệ thất nghiệp mới giảm trở lại về mức trước khi suy thoái. Nếu xét GDP, cuộc khủng hoảng bong bóng dot-com năm 2001 khó có thể được coi là một cuộc suy thoái, nhưng tác động của nó có thể cảm nhận rõ nhất trên thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng. 

Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 được gọi là cuộc Đại suy thoái vì mức độ sâu rộng và kéo dài của nó, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10%, thị trường nhà đất sụp đổ và các vụ phá sản cá nhân gia tăng. 

Cuộc suy thoái Covid-19 năm 2020 chứng kiến ​​nền kinh tế suy giảm nhiều nhất kể từ cuộc "Đại suy thoái", tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên gần 15%, nhưng sau đó nhanh chóng phục hồi nhờ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có.

Lý do gần đây tại sao có nhiều cuộc bàn luận về khả năng suy thoái kinh tế vì những ám ảnh về thiệt hại của hai cuộc suy thoái trước dẫn đến nhiều dự đoán cho rằng một cuộc suy thoái có mức độ thiệt hại tương tự đang đến gần. 

Đã có rất nhiều cuộc tranh luận trên truyền thông về định nghĩa và thời điểm bắt đầu một cuộc suy thoái. Về mặt kỹ thuật, suy thoái được bắt đầu khi có 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Văn phòng Nghiên cứu Quốc gia đưa ra một định nghĩa dựa trên cái nhìn rộng hơn với nhiều chỉ số sụt giảm trong thời gian dài. 

Thị trường lao động là nguyên nhân của các quan điểm trái chiều về khả năng suy thoái trong thời gian qua. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức 3,6%, gần bằng với mức thấp nhất nửa thế kỷ là 3,5% vào năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ việc làm mới mở đã giảm xuống còn 10,7 triệu so với đỉnh 11,9 triệu vào tháng 3, cao gấp đôi mức trung bình hồi năm 1999. 

Chỉ số đo lường tăng trưởng của Viện Quản lý Cung ứng trong lĩnh vực dịch vụ bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong quý vào tháng 7 nhờ hoạt động kinh doanh và đơn đặt hàng ổn định hơn.

Thị trường tài chính đang bắt đầu cho thấy nhiều dấu hiệu về một cuộc hạ cánh mềm. Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 13% so với mức thấp nhất trong năm nay vào ngày 16/6, lợi tức trên trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới đang bùng nổ và đà tăng của đồng USD đã có xu hướng đảo chiều. 

Bên cạnh các điều kiện tài chính đã trở nên “dễ thở” hơn so với thời gian trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 cũng giảm xuống so với tháng 6, đạt mức 8,5%. 

FED đã nhận rất nhiều lời chỉ trích do không lường trước được sự gia tăng mạnh mẽ của lạm phát. Tuy nhiên, nếu FED muốn kiềm hãm lạm phát mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, chắc chắn ngân hàng này sẽ phải đi một chặng đường dài để khôi phục uy tín của mình.

Những kinh nghiệm quá khứ có lẽ không còn đúng với bối cảnh nền kinh tế hiện tại. Không ai có thể dự đoán được nền kinh tế đột nhiên chững lại và lao dốc, khiến 17 triệu người thất nghiệp trong 2 tuần và GDP giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng nhờ các chương trình hỗ trợ của chính phủ bơm hàng nghìn tỷ USD trực tiếp vào túi người dân cùng việc duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo. 

Do đó, bất kỳ ai kỳ vọng nền kinh tế sẽ đi theo các mô hình thông thường sẽ phải thất vọng. Thực tế, các mô hình kinh tế cũ không còn phù hợp và điều Hoa Kỳ cần làm là giải pháp mới để đối mặt với thực trạng hiện nay.