BMW, Mercedes có nguy cơ 'chịu trận' trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

08:13 | 07/04/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra thì Đức chính là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất ô tô.

Theo các nghiên cứu mới, thuế của Trung Quốc đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho những hãng ô tô khổng lồ của Đức như BMW và Daimler.

Trung Quốc mới đây đe dọa sẽ đánh thuế trên 106 loại hàng hóa sản xuất tại Mỹ để đối phó với danh sách các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang nằm trong tầm ngắm áp thuế của Tổng thống Donald Trump. Hiện thuế ô tô nhập khẩu vào Trung Quốc từ các nước trên thế giới là 25% và nước này đang có kế hoạch sẽ tăng thuế thêm 25% đối với ô tô sản xuất tại Mỹ.

Các chuyên gia phân tích tại công ty đầu tư Evercore ISI hôm 4/4 cho biết khoản thuế tăng thêm 25% nói trên sẽ tạo ra thiệt hại trị giá khoảng 1,73 tỉ USD đối với các hãng sản xuất ô tô Đức như BMW và Daimler, chủ sở hữu thương hiệu Mercedes. Trong khi đó, những nhà sản xuất ô tô Mỹ, bao gồm Ford, Fiat Chrysler và General Motors (GM), lại không bị ảnh hưởng đáng kể bởi vì họ chủ yếu sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc. Theo Evercore, General Motors sẽ không xuất khẩu xe từ Mỹ sang Trung Quốc trong năm nay.

BMW, Mercedes có nguy cơ 'chịu trận' trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - ảnh 1
Hai hãng ô tô của Đức chịu thiệt hại nặng nề nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra. (Ảnh minh họa)

Xét về mức độ thiệt hại, Evercore cho rằng BMW, hãng ô tô đã bán được gần 2,5 triệu xe trên toàn cầu trong năm 2017, sẽ dẫn đầu danh sách, với mức tổn thất ước tính khoảng 965 triệu USD trong năm 2018. Để có được con số này, các nhà phân tích tính rằng BMW sẽ tạo ra doanh thu gần 4 tỉ USD trong năm nay từ những chiếc xe được sản xuất tại Mỹ và sau đó được vận chuyển sang Đại lục, với giá giao dịch mỗi xe khoảng 60.000 USD.

Với trường hợp của Daimler, chi phí thiệt hại năm 2018 từ thuế của Trung Quốc là khoảng 765 triệu USD, dựa trên 51.000 chiếc xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới.

Cả hai hãng BMW và Daimler đều nhận thức rõ được nguy cơ này, Chủ tịch Daimler - ông Dieter Zetsche nhân dịp đại hội cổ đông thường niên của công ty đã chia sẻ rằng sự hiện diện của công ty trên toàn thế giới là để giải quyết tốt sự biến động tiền tệ và các rào cản thương mại. Do đó, công ty ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại. Ông Zetsche cũng cho biết Daimler đang sử dụng khoảng 119.000 lao động ở ngoài quê hương Đức và các thị trường tự do và bình đẳng sẽ đảm bảo quyền lợi cho họ.

Trong khi đó, một lãnh đạo của BMW cho biết, căng thẳng thương mại sẽ chỉ tăng sức ép, buộc họ chuyển dây chuyền sản xuất một số mẫu xe bán chạy, như X5, ra khỏi Mỹ.

BMW hiện đã chuẩn bị cho tương lai xuất khẩu xe từ Mỹ sụt giảm, trong bối cảnh hãng đã phải dừng xuất khẩu mẫu X3 sản xuất tại Mỹ sang Trung Quốc từ đầu năm nay. Các mẫu xe BMW sản xuất cho thị trường Trung Quốc hiện được sản xuất ở Thẩm Dương (Trung Quốc) và Rosslyn (Nam Phi).