Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động ứng phó tác động Covid-19
Với mục tiêu của Kế hoạch hành động là phòng, chống hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương, Kế hoạch nhấn mạnh cần giữ vững mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Bộ Công Thương yêu cầu các Đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra (Ban Chỉ đạo quốc gia).
Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình dịch cúm Covid-19 trong nước và trên thế giới, bám sát các chỉ đạo của Bộ để chủ động có phương án, giải pháp xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành đồng bộ các biện pháp, giải pháp, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo xử lý và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương điều hành, xử lý các vấn đề phát sinh từ diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, bảo đảm ứng phó tối ưu, hiệu quả nhất, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể có của dịch đối với ngành Công Thương, góp phần vào kết quả chung của cả nước trong công tác ứng phó với tác động của dịch cúm mà Đảng, Chính phủ đã đề ra.
Đảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh
Kế hoạch hành động đưa ra nhóm nội dung nhiệm vụ về xử lý các tác động của dịch bệnh, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu thành lập ngay Tổ Công tác để xử lý các vấn đề liên quan tới giải tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc do Cục Cục Xuất nhập khẩu làm Thường trực, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và một số Đơn vị có liên quan cùng tham gia. Đồng chí Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực xuất nhập khẩu trực tiếp chỉ đạo Tổ Công tác này.
Chủ trì làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội liên quan để xác định cụ thể khối lượng, chủng loại các mặt hàng rau quả, trái cây và nông - thủy sản khác đang bị ách tắc trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, dự báo qui mô sản lượng các mặt hàng sắp tới sẽ thu hoạch, báo cáo cụ thể, đầy đủ với Lãnh đạo Bộ để có kế hoạch, biện pháp tham gia xử lý hỗ trợ.
Theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; đôn đốc các tỉnh có biên giới với Trung Quốc chủ động làm việc với phía Bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh.
Rà soát, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Các Vụ: Thị trường châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu - châu Mỹ chỉ đạo các Thương vụ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện là đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Rà soát các thị trường còn dư địa, đã mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, hoặc có tiềm năng điều kiện mở cửa thị trường để giải quyết đầu ra cho hàng hóa của Việt Nam.
Cùng với đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Thương vụ liên quan đẩy nhanh, mạnh hơn công tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây tươi sang các thị trường mà ta đã đang tiến hành đàm phán, đồng thời triển khai thêm các đàm phán mới đối với các thị trường có tiềm năng và dư địa xuất khẩu.
Phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ để cập nhật thông tin về các phản ứng của các nước liên quan đến việc đối phó với dịch bệnh, đánh giá về ảnh hưởng đối với kinh tế của các nước này, trong đó có lĩnh vực thương mại và đầu tư (như ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu, di chuyển các cơ sở đầu tư từ nước có dịch bệnh...) và có báo cáo Lãnh đạo Bộ đánh giá, phân tích về tác động (có thể có) đối với Việt Nam.
Theo dõi chặt chẽ, cập nhật các thông tin trên thế giới và trong nước về tình hình, diễn biến dịch Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế giữa Việt Nam và các nước; đề xuất giải pháp ứng phó đối với các diễn biến bất thường của dịch.
Chỉ đạo các Thương vụ tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các hoạt động tích cực của Chính phủ Việt Nam đối phó với dịch bệnh, về mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.