Bộ Công thương: Chưa tăng giá điện trong những tháng mùa khô

16:32 | 07/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những tháng nắng nóng cao điểm đang tới gần và thị trường lại xuất hiện nỗi lo tăng giá điện. Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết ngành điện đã chuẩn bị cung ứng điện đầy đủ.
Quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô, khiến nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao. Ước tính nhiệt độ tăng, nắng nóng kéo theo sản lượng điện tiêu thụ tăng khoảng 2,5 – 3%, làm dấy lên những lo ngại về việc tăng giá điện.
 
Theo VnEconomy, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tại thời điểm này không có việc điều chỉnh giá điện.

Bộ Công Thương tiếp tục kiên định điều hành giá điện theo Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 20/3/2019 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích thêm, cơ chế điều chỉnh giá điện căn cứ theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 30/6/2017 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện.
 
Bộ Công thương: Chưa tăng giá điện trong những tháng mùa khô

Mỗi năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành sẽ xem xét điều chỉnh giá điện.

Mặt khác, áp lực lên hệ thống điện hiện tại đã giảm nhiều. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin thêm, trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay với chính sách ưu đãi của Chính phủ thì hệ thống điện tăng trưởng nhanh về vấn đề công suất. Tính đến cuối năm 2020, công suất hệ thống điện đạt hơn 70.000 MW, đặc biệt, năng lượng tái tạo tăng lên 14.000 MW.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, điện sản xuất và tiêu dùng có giảm đi so với những năm trước nên áp lực lên ngành điện không cao. Mặt khác, ngành điện vẫn có dự phòng lớn đồng thời chuẩn bị các phương án cung ứng điện, nâng cấp hạ tầng điện.

"Với sự chuẩn bị như hiện nay, nếu không có trường hợp gì đặc biệt và rất đặc biệt thì ngành điện sẽ đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong năm 2021 và những năm tiếp theo", ông Lâm cam kết.

Bên cạnh đó, phải kể đến sản lượng điện sản xuất đang ở mức tốt. Trong báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh điện quý I/2021 được EVN công bố ngày 7/4, sản lượng điện thương phẩm toàn EVN quý I đạt 50,81 tỷ kWh, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

EVN dự kiến, trong tháng 4/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 713,6 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 38.285 MW.

Công tác điều hành cung ứng điện đã bám sát nhu cầu nhu cầu điện cả nước và tại các khu vực, đảm bảo huy động các loại nguồn điện phù hợp.
 
Trong một diễn biến khác, ngày 23/3, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty cổ phần chứng khoán SSI Research đã có báo cáo với chủ đề "Cập nhật ngành điện: Chi phí đầu vào cho hệ thống điện tăng".
 
Báo cáo đánh giá, sản lượng hợp đồng điện đối với các nhà máy nhiệt điện giảm trong thời gian qua chủ yếu là do huy động sản lượng nhiều từ thủy điện và một phần đóng góp mới từ nhóm điện mặt trời.
 
Đồng thời, chi phí đầu vào cho hệ thống điện tăng chủ yếu do giá bán cao từ nhóm năng lượng tái tạo, cộng thêm giá khí cũng tăng khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải cố gắng kiểm soát chi phí.
 
Do đó, SSI Research nhận định khả năng EVN sẽ phải tăng giá điện bán lẻ để bù đắp một phần chi phí đầu vào tăng, mặc dù EVN chưa có quyết định chính thức cho năm 2021.
 
 
Hà Ly