Bộ trưởng Công Thương: Phát triển điện hạt nhân cũng là xu hướng tất yếu

Nguyễn Hoàng Cường 08:09 | 31/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tin đáng chú ý này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều ngày 30/5.

Theo Bộ trưởng Công thương: “Cần nói rõ Nghị quyết của chúng ta là "tạm dừng", không phải "huỷ bỏ". Do vậy, về nguyên tắc không có cơ sở về việc bỏ hoàn toàn dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Mặt khác, Ninh Thuận là địa điểm đã được các đối tác cũng như các bộ, ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong thời gian dài và đã khẳng định đây là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân”.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm về việc Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ về việc cần thiết phải phát triển điện hạt nhân.

Bởi lẽ, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, các quốc gia cam kết về việc phát triển năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió). Nhưng để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn điện nền ổn định.

“Điện nền hiện nay chỉ có nhiệt điện than hoặc thuỷ điện. Nhưng điện than chúng ta đã không còn điều kiện để phát triển và thủy điện cũng đã hết dư địa. Trong khi đó, chúng ta cần phải thực hiện những gì đã cam kết ở COP26 và phát triển điện hạt nhân cũng là xu hướng tất yếu các quốc gia trên thế giới đang thực hiện”, Bộ trưởng cho biết.

Người đứng đầu ngành Công thương dẫn chứng 2 quốc gia Mỹ và Đức 3 năm qua đã giảm điện hạt nhân nhưng đến nay đã phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn loại hình này, làm cơ sở khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang bị tạm dừng  -  Ảnh minh họa.

Trước đó, Theo Ủy ban Kinh tế Quốc Hội, với lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển giai đoạn tiếp theo.

Nhận thấy tiềm năng phát triển điện hạt nhân, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, theo Zing.

Trước đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dừng triển khai vào tháng 11/2016 vì lý do điều kiện kinh tế nước ta. Tổng chi phí đã thực hiện của 7 dự án thành phần là khoảng 2.307 tỷ đồng.

Ủy ban Kinh tế cho rằng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, đa dạng nguồn phát, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam giai đoạn tiếp theo.

Cơ quan này đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp, góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu sau Hội nghị COP 26.

"Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận và cam kết quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là với Nga và Nhật Bản về phát triển điện hạt nhân cũng như các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình khác", Ủy ban kinh tế cho biết.

Hiện nay, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, Ủy ban Kinh tế cho biết nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác.

Ngoài ra, một lý do khác cần giữ lại quy hoạch điện hạt nhân là sau khi dự án dừng triển khai đã dẫn đến nhiều bất cập về quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống người dân; về sử dụng, tận dụng nguồn lực và thỏa thuận với đối tác nước ngoài vẫn còn khó khăn.

Cụ thể, nhân dân trong vùng dự án phải thu hồi đất phải trải qua thời gian dài chờ đợi, bị hạn chế quyền lợi, không được thực hiện các quyền sử dụng đất.

"Có trường hợp là chủ sử dụng đất đã già yếu, qua đời nhưng không thể sang tên, tặng cho, thừa kế cho thế hệ sau; không được sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới nhà ở, công việc làm ăn, sản xuất bị ngưng trệ", Ủy ban kinh tế dẫn chứng.

Mặt khác, một số vướng mắc về thuế, chi phí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng chưa được xử lý...

Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.