Bộ Công Thương đưa giải pháp đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thịt lợn
(DNVN) - Liên quan đến việc giá thịt lợn bị đẩy cao trong thời gian qua, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số CPI, đến đời sống người dân nên cần thực hiện nghiên túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong kiểm soát nguồn cung, chất lượng và giá cả.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Hiện nay, cơ chế quản lý giá nói chung, trong đó có mặt hàng thịt lợn đang vận hành theo cơ chế thị trường, tuân thủ theo quy luật cung và cầu. Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều về việc giá lợn bị đẩy lên cao.
Về vĩ mô, điều này ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thậm chí cả cân đối nền kinh tế. Về vi mô, giá lợn cao ảnh hưởng rõ ràng đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh nên người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người dân có thói quen dùng nhiều thịt lợn. Dù thịt gia cầm đang rẻ, nhưng người dân vẫn dùng nhiều thịt lợn do chế biến được nhiều món ăn hợp khẩu vị người Việt Nam.
Phân tích về nguyên nhân giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua, Thứ trưởng cho biết: Vừa qua, việc giá lợn cao do quy luật cung cầu, mà ở đây là cung thiếu. Trước hết là lí do khách quan do dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc, kể cả sau này, khi ta đã dập cơ bản dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, trên toàn quốc nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch, nên nông dân chưa yên tâm khi tái đàn, do lo ngại lợn có thể bị chết. Hơn nữa, nhiều gia đình gặp khó về nguồn vốn tái đàn, trong khi giống rất đắt có khi lên tới hơn 3 triệu đồng/lợn giống.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đàn lợn năm 2019 so với năm 2018 giảm 21%, nhưng theo báo cáo từ địa phương, sản lượng lợn có thể giảm trên 50%. Hiện các DN lớn chiếm 35% thị phần, vậy 65% còn lại do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp, trong khi các hộ này gặp khó khăn, nguồn cung thiếu lại càng thiếu.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện có 2 cách tăng nguồn cung. Thứ nhất là tái đàn, Bộ NN&PTNT làm nhiều, các hộ chăn nuôi lớn cố gắng nhưng không phải trong thời gian ngắn khôi phục được lại ngay nguồn cung này. Theo báo cáo của các DN ở địa phương, khả năng đến cuối 2020 đàn lợn mới trở lại như trước có dịch tả lợn châu Phi… Thứ hai là phải nhập lợn, hiện Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo giá đã yêu cầu Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành nhập lợn bù đắp lợn thiếu.
Tuy nhiên, đến hết tháng 4, theo thống kê của Hải quan, lợn nhập mới đạt 45.000 tấn, thấp hơn nhiều so với con số 100.000 tấn mà lãnh đạo Chính phủ giao. Trong khi đó, một yếu tố hết sức quan trọng tác động đến việc nhập khẩu thịt lợn chưa đạt kế hoạch là người dân trong nước không có thói quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn trong việc nhập khẩu và tiêu thụ trong nước.
Vì vậy hiện Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT phải tập trung tái đàn, phối hợp Bộ Công Thương, các bộ ngành khác trong việc tăng cường nhập lợn. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong thời gian ngắn là có thể hoàn thành. Theo dự báo, cuối năm 2020, đàn lợn mới quay lại mức trước khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra dù thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực triển khai các giải pháp tái đàn lợn nhằm đáp ứng nguồn cung. Bộ Công Thương đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu thịt lợn, trong đó, việc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đã được thực hiện. Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ phải thực hiện khai báo về thú ý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là đủ điều kiện được cấp phép nhập khẩu.
Liên quan đến việc có hay không hình thành lợi ích nhóm để trục lợi trong hoạt động của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra về thuế, phí cũng như các yếu tố cấu thành giá lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về cạnh tranh tại các doanh nghiệp, chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và kết quả không phát hiện dấu hiệu vi phạm. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, bản thân các doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, dù đã tích cực thực hiện yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành về việc giảm giá lợn hơi, song mức giảm không nhiều.