5 nguyên nhân thúc đẩy CPI năm 2024 tăng 3,63%
Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá nhà ở thuê, giá xăng dầu tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 12/2024 tăng 2,94%.
CPI bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
![](https://static.doanhnhanvn.vn/1881912202208999/images/2025/01/06/anh-man-hinh-2025-01-06-luc-113806-20250106114127179.png?width=700)
Tổng cục Thống kê đánh giá, trong năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tiếp tục leo thang tại một số nước.
Bên cạnh đó, kinh tế, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng cầu, đầu tư sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tác động nặng nề tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Xu hướng cắt giảm lãi suất của một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục mở rộng do lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như: đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Lý giải về mức tăng CPI 3,63% so với năm 2023, phát biểu tại họp báo sáng 6/1, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích 5 nguyên nhân.
![](https://static.doanhnhanvn.vn/1881912202208999/images/2025/01/06/z620118459081558bc949992c1384f0e6f9479e5a881d9-2025010611390899.jpg?width=700)
Các lãnh đạo của Tổng cục Thống kê trả lời phỏng vấn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Mai Trang
Thứ nhất, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 12,19%, tác động làm CPI tăng 0,45 điểm phần trăm. Cụ thể, giá gạo tăng 15,93% theo giá gạo và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết, làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm tăng 2,7%, làm CPI chung tăng 0,58 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,99% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.
Thứ hai, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động khiến CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm,...
Thứ ba, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh.
Thứ tư, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số địa phương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.
Thứ năm, chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố cũng góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2024. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với dòng điện thoại thông minh.
Bên cạnh các yếu tố làm tăng CPI, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra những yếu tố làm giảm CPI trong năm 2024; đó là: chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.