Giá điện tăng góp phần vào mức tăng lạm phát tháng 6, chuyên gia dự báo gì cho CPI cả năm 2023?

Diên Vỹ 12:37 | 29/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 4/5/2023, tác động làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

 

Giá điện sinh hoạt tăng 3,12% góp phần kéo CPI tháng 6 nhích tăng so với tháng 5

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023 sáng 29/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng 5. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 2%.

Có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ ghi nhận chỉ số giá tăng, đóng góp vào mức tăng CPI 0,27% của tháng 6. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; Nhóm giao thông tăng 0,16%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; nhóm giáo dục tăng 0,11%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

Chỉ riêng nhóm bưu chính viễn thông ghi nhận chỉ số giá giảm 0,23% do giá điện thoại cố định và di động giảm.

 Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 2,4% của tháng 5

Quý II/2023, CPI tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI của Việt Nam tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Trong đó, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,6%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI tăng 0,77 điểm phần trăm và giá gạo trong nước tăng 2,39% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm. Giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 4/5/2023, tác động làm CPI tăng 0,1 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 (tác động làm CPI tăng 0,49 điểm phần trăm);

Ngoài ra, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,24 điểm phần trăm do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74% do nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI tăng 0,17 điểm phần trăm và chỉ số giá vé máy bay tăng 65,72%; giá vé tàu hỏa tăng 32,34%; giá vé ô tô khách tăng 11,12%;

Ở chiều ngược lại, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu như giá xăng dầu trong nước giảm 18,27% theo biến động của giá thế giới; giá gas trong nước giảm 9,99% và chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,37% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Về lạm phát cơ bản (CPI lõi chưa tính các mặt hàng dễ biến động như năng lượng, lương thực thực phẩm…), theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 6/2023 đã tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung là 3,29%. Nguyên nhân chủ yếu khiến mức tăng của CPI lõi cao hơn CPI bình quân chung 6 tháng đầu năm là do bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng giảm 18,27% so với cùng kỳ, giá gas giảm 9,99% giúp kiềm chế tốc độ tăng của CPI chung nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Dự báo lạm phát cả năm 2023 vẫn trong tầm kiểm soát

Ngay từ trước khi giá điện tăng, hồi tháng 5 năm nay, trao đổi với truyền thông, Tổng cục Thống kê đã cho hay theo tính toán của cơ quan này, giá điện bình quân tăng 3% chỉ tác động trực tiếp làm CPI năm 2023 tăng khoảng 0,1 điểm phần trăm. Và thực tế, số liệu CPI tháng 6 cũng như 6 tháng đầu năm vừa công bố đã cho thấy mức tăng tương ứng với tính toán trên.

Một số phân tích của các công ty chứng khoán thời gian qua cũng đánh giá giá điện tăng không tác động quá lớn đến mức tăng của CPI trong tháng 6 cũng như cả năm 2023. 

Cụ thể, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong báo cáo cập nhật vĩ mô hồi đầu tháng này từng dự báo khá sát rằng CPI tháng 6 tăng trong khoảng 0,15% - 0,25% so với tháng 5, tương ứng tăng 1,86% - 1,97% so với cùng kỳ năm ngoái (thực tế CPI tháng 6 tăng 0,27% so với tháng 5 và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái - TCTK). Theo nhóm phân tích VCBS, mức tăng nhẹ của CPI tháng 6 dự báo sẽ được thúc đẩy bởi một số yếu tố, trong đó có việc giá điện tăng nhu cầu sử dụng tăng theo thời tiết nắng nóng cũng như giá thực phẩm tăng. 

Tuy nhiên, nhận định cho cả năm 2023, VCBS cho rằng lạm phát bình quân chỉ dao động quanh 3%, do áp lực lạm phát hầu như không còn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng có tín hiệu yếu đi. Theo VCBS, đây là cơ sở để NHNN thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng đang gặp khó.

Nhóm nghiên cứu HSBC trong báo cáo “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Quá tam ba bận?” ngày 19/6 nhận định: “Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% hồi đầu tháng 5, vốn thường tác động lên lạm phát sau một tháng, cũng tạo ra rủi ro tăng lạm phát nhưng trong tầm quản lý được. Trước những diễn biến gần đây, chúng tôi giảm dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6%, trước đây là 4%”.

Còn Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong báo cáo vĩ mô hôm 6/6 cũng đưa ra hai kịch bản cho CPI cả năm 2023. Trong cả 2 kịch bản này, CPI đều nằm trong tầm kiểm soát (không quá 4,5%). 

Cụ thể, ở kịch bản tích cực, với giả định giá dầu Brent trung bình dao động quanh ngưỡng 70- 90 USD/thùng; giá lợn nằm trong vùng 50 – 70 nghìn VND/kg và giá điện ước tính tăng 7% so với cuối năm 2022; BSC nhận định lạm phát năm nay ở mức khoảng 3,1%. Ở kịch bản tiêu cực, lạm phát có thể tăng 4,5%.

Với một số lo ngại rằng kỳ tăng lương cơ sở tới (từ 1/7/2023) có thể tác động làm tăng lạm phát cả năm, trong kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6 qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khi trả lời đại biểu đã nhấn mạnh Chính phủ và các cơ quan liên quan đã có tính toán kỹ để khi lương cơ sở tăng từ tháng 7 tới, mặt bằng giá không thay đổi nhiều, tuy nhiên khẳng định “phải hết sức quan tâm để điều hành giá”.

Thực tế nhìn lại các lần tăng lương cơ sở gần nhất, khi lương tăng, mặt bằng giá hầu như không có nhiều biến động đáng kể.

Chẳng hạn, sau đợt tăng lương cơ bản ngày 1/7/2019 (đưa mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên 1.490.000 đồng), CPI tháng 7/2019 chỉ tăng 0,18% so với tháng 6. Bình quân 7 tháng năm 2019, CPI tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm. Cho đến hết năm 2019, CPI bình quân cả năm chỉ tăng 2,79% so với năm 2018.

Hay sau đợt tăng lương cơ bản trước đó ngày 1/7/2018 (đưa mức lương cơ sở từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng), CPI tháng 7/2018 thậm chí giảm 0,09% so với tháng 6. Tính cả năm 2018, CPI bình quân tăng 3,54% so với năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.

Trong một cuộc trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa (Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia) cũng nhận định rằng dự báo trong năm nay, lạm phát vẫn nằm dưới mức mục tiêu trong bối cảnh cầu tiêu dùng còn yếu và nền kinh tế đối diện nhiều thách thức tăng trưởng.