Bộ Công Thương lên tiếng đề nghị thống nhất giấy thông xe qua chốt kiểm soát

15:23 | 25/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày 24/8, Bộ Công Thương nêu rõ cần có quy định cụ thể điều kiện để xe qua chốt kiểm soát với trường hợp đã và chưa được cấp mã QRcode.

Theo đó, cơ quan đầu ngành công thương Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT quy định cụ thể các điều kiện, đặc biệt là điều kiện để các phương tiện đi qua chốt kiểm soát đối với 2 trường hợp đã được cấp mã QR code và chưa được cấp mã QR code. 

Đây là nội dung đáng chú ý trong công văn hỏa tốc của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) gửi cơ quan quản lý ngành giao thông trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Công văn thì đại diện của Bộ Công Thương đã đề cập tới Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp các bộ, ngành xây dựng hướng dẫn và tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Theo đề nghị của Bộ GTVT, ngày 18/8, Bộ Công thương đã có văn bản góp ý đối với dự thảo quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19. 

Bộ Công Thương lên tiếng đề nghị thống nhất giấy thông xe qua chốt kiểm soát - ảnh 1

Giấy phép đi qua các chốt kiểm soát đang khiến doanh nghiệp gặp khó. Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua Bộ lại nhận được rất nhiều phản ánh về trường hợp của một số doanh nghiệp nêu cụ thể về việc gặp khó khăn trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Do đó, Bộ Công thương nhấn mạnh: "Bộ Công thương đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19, để thống nhất thực hiện tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16. Hướng dẫn khi ban hành cần quy định rõ ràng, cụ thể các điều kiện, đặc biệt là điều kiện để đi qua các chốt kiểm soát đối với 2 trường hợp đã được cấp mã QR code và chưa được cấp mã QR code".

Ngoài ra, Bộ GTVT cần hợp nhất các văn bản đã ban hành về hướng dẫn từ trước để các địa phương và các doanh nghiệp dễ thực hiện. 

Các doanh nghiệp đang gặp khó bởi giấy phép thông chốt ra sao?

Được biết, tình trạng khó khăn bởi di chuyển khiến doanh nghiệp, nhất là trong nhóm ngành xuất khẩu lo bị đền hợp đồng, ngưng trệ hoạt động khi nhân viên không thể đi làm bởi vì giấy đi đường mới. 

Theo phản ánh của VnExpress, từ ngày 23/8 thì Tp.HCM yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy đi đường mới do công an thành phố hoặc Sở Công Thương Tp.HCM cấp khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang bối rối và gặp khó trước quy định này.

Nhóm doanh nghiệp thép ở Tp.HCM hiện đang gặp khó trong vấn đề giấy đi đường. Ông Nguyễn Thanh Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tôn Đông Á cho biết, hôm qua các doanh nghiệp vừa xin xong giấy đi đường từ phía Sở Công Thương thì chính quyền Tp.HCM lại có quy định mới yêu cầu phải có giấy đi đường do công an thành phố cấp. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng sang cơ quan công an để được hướng dẫn nhưng vẫn chưa có phản hồi nhanh cho doanh nghiệp.

"Hôm qua tới nay, toàn bộ hoạt động giao nhận, làm thủ tục, chứng từ gửi cảng, VCCI và ngân hàng của doanh nghiệp đều bị ngưng, hàng hoá ra cảng kẹt cứng. Nếu tiếp tục chậm trễ, doanh nghiệp thép có thể bị huỷ tàu và bị phạt", ông Trung tiếp tục chia sẻ rằng ảnh hưởng của đại dịch khiến các đơn vị vận chuyển giảm hoạt động nên các hãng tàu đang rất khắt khe.

"Doanh nghiệp tôi đã làm thủ tục gửi lên cơ quan công an để xin giấy đi đường cho 10 nhân viên. Đây là nhóm người sẽ ra đường để làm thủ tục, hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hoá gửi tới VCCI, cảng và ngân hàng", ông nói và mong chính quyền nhanh chóng hỗ trợ để doanh nghiệp được hoạt động suôn sẻ.

Tương tự là loạt kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cho đối tác nước ngoài, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) bởi những giấy phép đi đường hạn chế số lượng nhân viên, giới hạn công suất hoạt động của doanh nghiệp... 

Trong khi đó, theo thông tin từ Báo Thanh niên thì Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp - khu chế xuất (HBA) vừa gửi phản ánh đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tp.HCM. Theo đó, HBA chỉ ra rằng các nội dung tại văn bản quy định thay đổi và điều chỉnh liên tiếp trong 3 ngày vừa qua của thành phố khiến gần 700 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ”, “1 điểm đến - 2 cung đường” xoay sở không kịp.

Hiện 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đang gặp nhiều vướng mắc, ách tắc liên quan vận chuyển, đi lại, cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ.

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều lái xe đã dùng giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 giả, mã QR không có trong hệ thống "luồng xanh" để đi qua chốt kiểm soát tại TP.Hải Phòng và tỉnh Hải Dương.

Sáng 14/8, Công an TP.Hải Phòng cho biết, Công an H.An Dương đang tiến hành làm rõ việc lái xe Nguyễn Văn Cường (27 tuổi, ở Hà Nam) sử dụng giấy tờ giả để "thông chốt" kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của TP.Hải Phòng.

Trước đó, khoảng 10 giờ 30 ngày 13/8, lực lượng liên ngành tại chốt kiểm soát dịch bệnh số 1 của TP.Hải Phòng ở ga Dụ Nghĩa (trên QL5, H.An Dương) kiểm tra xe tải 29N -  358.82 thì phát hiện mã QR dán trên xe không có tên lái xe trong hệ thống "luồng xanh". Ngoài ra, giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của lái xe được ghi do Bệnh viện 74 T.Ư cấp được xác định là giả.

Làm việc với cơ quan công an, lái xe Nguyễn Văn Cường cho biết, giấy xét nghiệm là do đồng nghiệp đưa cho để "thông chốt". Theo thượng tá Trần Thanh Hải, Trưởng chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 1 của TP.Hải Phòng, việc lái xe dùng giấy tờ giả để "thông chốt" là rất nguy hiểm, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh và truy vết y tế nếu lái xe đã nhiễm bệnh. Trong khi đó, Công an tỉnh Hải Dương cũng phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả để "thông chốt" kiểm soát dịch.

Duy Anh

Xem thêm: Doanh nghiệp xuất khẩu phàn nàn trong việc khó xin cấp giấy đi đường