Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp đầu mối xả xăng dầu dự trữ

Đông Bắc 14:11 | 03/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị đầu mối vốn nhà nước xuất lượng xăng dầu dự trữ thương mại để cung ứng cho những nơi thiếu cục bộ.

Tại cuộc họp chiều 2/11 với các doanh nghiệp đầu mối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị PVN, Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ xuất  xăng dầu vốn là dự trữ thương mại.

Lượng xăng dầu dự trữ của Việt Nam đến từ hai nguồn: dự trữ lưu thông của doanh nghiệp và dự trữ xăng dầu quốc gia. Với phần dự trữ lưu thông, theo quy định, các đơn vị đầu mối, phân phối phải đảm bảo lượng hàng dự trữ lưu thông đủ 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề. Lượng hàng dự trữ này là mặt hàng doanh nghiệp kinh doanh thường xuyên và họ tự bỏ chi phí duy trì tồn kho.

 

 Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa do thiếu nguồn cung. Ảnh VGP.

Theo số liệu tới ngày 30/9, dự trữ thương mại của các doanh nghiệp là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu (chưa gồm nguồn từ hai nhà máy lọc dầu, nhập khẩu trong kỳ của các doanh nghiệp). Mức dự trữ này tương đương 74% lượng tiêu thụ bình quân của cả nước trong một tháng.

"Các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đang rất khó khăn, cần sự chung tay của đơn vị đầu mối để đảm bảo nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù kho khăn", ông nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, 14 doanh nghiệp, hầu hết là đầu mối tư nhân, chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao cung ứng xăng dầu. Vì thế, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý.

2 nhà máy lọc dầu trong nước cung ứng 70-80% lượng xăng dầu trong nước, còn lại nhập khẩu. Nhưng thực tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một nửa trong 80% nguồn cung từ 2 nhà máy vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu), tức vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới.

"Như vậy, tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm", ông nói.

Lý giải những khó khăn thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng đứt gãy, khan hiếm nguồn cung ở một số vùng, miền đã được lý giải các cấp độ. Một lý do được cập nhật cho đến thời điểm này là tỷ giá tiếp tục biến động rất ghê gớm và sức hút nguồn xăng dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu trong nước đang gặp khó vì những chi phí phát sinh, chi phí thực tế phát sinh chưa được kịp thời cập nhật, phản ánh đầy đủ trong công thức tính giá bán lẻ. Cho nên các doanh nghiệp nhập khẩu hay kinh doanh xăng dầu  càng làm càng lỗ.

 

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh QH.

“Tuy nhiên, năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống dù có khó đến đâu thì chúng ta không được phép để đứt gãy nguồn cung”, ông Diên nói.

Để đạt được mục tiêu không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là giải quyết ở những địa bàn đã và đang có hiện tượng đứt gãy cục bộ, Bộ trưởng Công Thương nêu ra 6 giải pháp.

Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước khẩn trương xem xét để xuất dự trữ xăng dầu thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.

Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn dầu khí Việt Nam chỉ đạo và làm việc với 2 nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục vận hành tối đa và vận hành vượt công suất để tiếp tục cung ra thị trường xăng dầu thành phẩm, đáp ứng nhu cầu của đất nước.

“Đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả Nhà nước và tư nhân có điều kiện phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu, theo kế hoạch phân giao, càng vượt định mức bao nhiêu thì càng tốt bây nhiêu. Sẵn sàng bù đắp các sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao của mình” - người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu.

Theo ông Diên, hành động này sẽ được Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành ghi nhận, phản ánh và đề xuất các cấp có thẩm quyền để có sự can thiệp khi xem xét tới quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

 Cũng trong ngày 2/11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống trong mọi tình huống.

Bộ Công Thương phải chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường, trên cơ sở cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu. Cơ quan này cũng cần giám sát và kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.

Các vướng mắc phát sinh cần được các bộ, ngành chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Liên Bộ sớm hoàn thiện chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030.

Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nhất là quy định về thời gian điều hành, quỹ bình ổn giá, thống nhất đầu mối quản lý; cũng như các tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của thương nhân (đầu mối, phân phối...) cũng được Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi.

Với các địa phương, Thủ tướng giao giám sát việc kinh doanh của các cửa hàng; thanh, kiểm tra hoạt động niêm yết giá, thời gian đăng ký bán hàng...