Hạn mức tín dụng cấp cho doanh nghiệp xăng dầu chưa hết
Hạn mức tín dụng cấp cho doanh nghiệp xăng dầu còn 44.000 tỷ đồng
Chiều 28/10, giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo Quốc hội và cử tri cả nước về điều hành lãi suất tín dụng và tỷ giá.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn hơn nhiều so với những đánh giá vào cuối năm 2021, xu hướng lạm phát kéo dài hiển hiện ở khắp các nước trên thế giới, FED tăng lãi suất lên mức cao và dự kiến sẽ vẫn tiếp tục với lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt, đồng đô la Mỹ tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền khác suy giảm. Những diễn biến như vậy khiến ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đều gặp khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Trong nước, diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Ngay trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ ghìm giữ lãi suất. Đây thực sự là nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức.
Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn bến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, năm 2022 ước đạt dưới 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, là yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm nay.
Nhấn mạnh giải pháp ứng phó với những biến động trong chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng phải đánh giá tại từng thời điểm, tại từng giai đoạn để xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, phải cân đối giữa việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá tăng cao…
Liên quan đến kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho xăng dầu, bà Hồng cho biết, đối với hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu. Tại chỉ thị đầu năm, Thống đốc đều yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh. Tháng 3/2020 trước sự biến động phức tạp của xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn gửi các tổ chức tín dụng.
“Vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản, chúng tôi tổng hợp nhanh số liệu các ngân hàng thì tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ, hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng, chứ chưa phải đã hết”, bà Hồng cho hay.
Với việc cung ứng ngoại tệ thì vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ. Riêng 9 tháng đầu năm đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn, lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỷ đô la Mỹ cho các doanh nghiệp này.
Bộ Tài chính đề nghị giao toàn diện phần quản lý xăng, dầu về cho Bộ Công Thương
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhu cầu xăng, dầu của đất nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/1 năm. Về nguồn cung trong nước, cả nước có 2 nhà máy sản xuất là Bình Sơn và Nghi Sơn. Trong 9 tháng qua, Lọc dầu Bình Sơn đạt khoảng 70% công suất với 4,4 triệu tấn/6,2 triệu tấn (đạt kế hoạch đề ra). Còn với Nghi Sơn có công suất 6,8 triệu tấn mới chỉ đạt 4,3% sản lượng.
Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho 34 đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm mới nhập được 3,97 triệu tấn, tức không đạt kế hoạch. Riêng quý III nhập khẩu giảm 40% với mặt hàng xăng, giảm 35% với dầu, chỉ 19/34 đầu mối có nhập.
Theo ông Phớc đây là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.
Trước diễn biến giá xăng dầu thời gian, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Bộ đã thực hiện giảm thuế môi trường 3.000 đồng/lít - tương đương 28.000 tỉ đồng; giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%…
Ông Phớc cho biết thêm đã có 2 văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối để có thể nâng chi phí định mức nữa hay không. Tuy nhiên, hiện mới chỉ nhận được văn bản của 6 thương nhân đầu mối (chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu), trong khi ý kiến Bộ Công Thương chưa nhận được.
"Sắp tới chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 55, giao toàn diện phần xăng, dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động", ông Phớc đề xuất
Ngoài ra là tăng cường phối hợp chủ động trong nguồn cung và hệ thống đầu mối phân phối bán lẻ. Chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết vấn đề khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu một cách tốt nhất để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Trong phiên họp sáng 28/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong bối cảnh thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp theo tình hình thế giới, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
“Doanh nghiệp đầu mối hay thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì cũng không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ tại một số nơi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương đã tham mưu, đề xuất sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết.
“Đồng thời rà soát cập nhật chi phí định mức, chi phí tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng diễn ra thuận lợi, lành mạnh”, Bộ trưởng Công Thương nói.