Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo 'siết' quản lý xe điện 4 bánh chở khách du lịch
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Sau khi 35 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế, hình ảnh xe điện 4 bánh xuất hiện ngày càng phổ biến tại các khu du lịch và một số tuyến đường.
Hoạt động vận tải nói chung và hoạt động thí điểm xe 4 bánh nói riêng sau thời gian triển khai các giải pháp mở cửa lại bảo đảm tổ chức vận tải phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19, từ đó góp phần cho hoạt động du lịch đã diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước, du lịch quốc tế từng bước được khôi phục.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của các phương tiên trên đã và đang phát sinh nhiều nguy cơ mất an toàn, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Chị Vũ Hoài Trâm (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) cùng gia đình vừa đi tham quan tại khu du lịch Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, ngay sau khi thu tiền vé, vé xe được nhân viên soát vé thu lại, khách chỉ cần đến các điểm dừng đỗ dọc hành trình tham quan để đi xe và không hạn chế số lần đi lại. Tuy nhiên, các vé không ghi số xe, chỗ ngồi và bị thu lại và thường xuyên xảy ra tình trạng các xe bị lèn kín người, rất mất an toàn giao thông.
Còn anh Phạm Văn Tình (Thái Bình) chia sẻ, loại xe này hoạt động lộn xộn, có nhiều rủi ro về an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải. “Các khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), Hạ Long (Quảng Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ), Bái Đính (Ninh Bình)… đều có loại xe này hoạt động. Ở nhiêu nơi, có xe không biến số, tem đăng kiểm, ghế ngồi không có dây đai an toàn. Đã thế khách ngồi chen chúc. Điều này vô cùng mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ tai tạn giao thông”, anh Tình bày tỏ.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, loại hình xe điện 4 bánh chở khách hiện phổ biến ở nhiều địa phương, hoạt động trên các đường phố có hoạt động du lịch hoặc bên trong các khu du lịch. Không ít xe không có biển số đăng ký, tem đăng kiểm hoặc giấy chứng nhận đăng kiểm quá hạn. Đặc điểm chung của loại xe này là dài trên dưới 2m, có mái che, gồm 4 - 5 hàng ghế, hở hai sườn và phía sau, với hàng cuối quay ngược về phía sau. Xe chạy bằng điện, với cabin lái kết cấu như xe ô tô, song các ghế ngồi không có dây đai an toàn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông trong các khu du lịch.
Siết chặt quản lý
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký mới đây cho biết, hiện nay, trên địa bàn toàn quốc có 35 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế.
Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch thực hiện đúng nội dung thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với lực lượng chức năng, cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hoạt động của phương tiện đúng tuyến đường, khu vực được phép hoạt động mà UBND cấp tỉnh đã quy định.
Đồng thời kiểm tra điều kiện của người điều khiển (đảm báo có GGP:X từ hạng B2 trở lên), chạy đúng tốc độ cho phép (tối đa không vượt quá 30km/h); phương tiện được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định hoặc tạm dừng hoạt động thí điểm đối với phương tiện, đơn vị có vi phạm.
Theo ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xe điện 4 bánh chở người, hiện nội dung dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi, đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến rộng rãi) bổ sung quy định đối với xe chở người 4 bánh, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho loại hình vận tải này.
Theo đó, xe điện 4 bánh phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của xe ô tô nói chung như: Hệ thống lái, phanh; vô lăng bên trái; đèn chiếu sáng; lốp, gương chiếu hậu; vành, lốp đúng kích cỡ của loại xe; dây đai an toàn, kính chắn gió đạt chuẩn an toàn.
Cụ thể hơn, theo dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi), xe điện 4 bánh (nói riêng, xe gắn động cơ 4 bánh nói chung) chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải và chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới được kinh doanh vận tải bằng loại xe này.
“Khi hoạt động, loại xe này phải đáp ứng các điều kiện: Có đăng ký, đăng kiểm, trên xe có thiết bị giám sát hành trình và niêm yết tên, điện thoại của đơn vị vận tải; người điều khiển phải có giấy phép lái xe ô tô tương ứng với số người được phép chở”, ông Khanh nhấn mạnh.