Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng phí BOT

18:34 | 09/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi lấy ý kiến 5 bộ ngành, và 17 địa phương Dự thảo Báo cáo Thủ tướng về sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT giao thông đường bộ.

Theo đó, hiện Bộ GTVT đang quản lý 61 dự án BOT đường bộ. Trong đó có 59 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, 2 dự án đang đầu tư. Với 59 dự án đã đưa vào khai thác, có 52 dự án có đủ số liệu đánh giá việc tăng, giảm lưu lượng so với dự báo ban đầu, 4 dự án mới đưa vào thu phí cuối tháng 12/2018 và đầu năm 2019 không đủ cơ sở để đánh giá và 3 dự án đang dừng thu.

Còn theo thông tư của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm một lần. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5/2016 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa thực hiện tăng phí với 59 dự án BOT trên cả nước.

Trong đó, 37 dự án đã tới hạn tăng phí 12-18% theo lộ trình (gồm 2 dự án tới hạn trong năm 2018, 35 dự án năm 2019); năm 2020 sẽ tăng phí 10 dự án, năm 2021 tăng phí 2 dự án, các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021.

Ngoài ra, trong hợp đồng BOT được ký giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư, đều có điều khoản cho điều chỉnh thời gian thu phí, hoàn vốn khi doanh thu thực tế tăng hoặc giảm hai năm liên tiếp từ 2-5% so với tính toán trong hợp đồng.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng phí BOT - ảnh 1
 Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng phí BOT.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời với 25 dự án này thì phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.
Do đó, Bộ GTVT  đề xuất Chính phủ 2 phương án. Phương án 1 là tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, Bộ GTVT sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn bởi các dự án này đã chạm “điểm tới hạn nếu không tăng phí sẽ phá vỡ phương án tài chính”.
Phương án 2, Bộ GTVT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, bộ cho biết sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể.
Bộ GTVT cũng cho biết đang nghiêng về phương án 1 vì có nhiều ưu điểm, không phải bố trí ngân sách nhà nước cứu các dự án BOT. Đồng thời, Bộ GTVT cũng cho rằng việc tăng phí đường bộ tại các trạm cơ bản không ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải. Đối với các mức phí xe loại 4 và loại 5 (các loại xe ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải) sau khi tăng vẫn thấp hơn so với mức phí trước khi giảm phí theo Nghị quyết 35/NQ-CP.